![]() |
Lee Sun-woo, người đứng đầu KMSA, phát biểu trong một cuộc họp báo tại Seoul. Ảnh: Newsis. |
Hôm 12/7, Hiệp hội Sinh viên Y khoa Hàn Quốc (KMSA) đã công bố quyết định trở lại trường.
Họ đổ lỗi cho chính quyền Yoon Suk Yeol đã gây ra cuộc khủng hoảng chưa từng có này, dẫn đến cái chết của nhiều bệnh nhân và sự tuyệt vọng của các gia đình. KMSA bày tỏ niềm tin vào Tổng thống đương nhiệm Lee Jae Myung và hy vọng có các cuộc đàm phán.
"Hệ thống y tế Hàn Quốc đang đối mặt với cuộc khủng hoảng chưa từng có. Hậu quả nghiêm trọng này là do những hành động đơn phương và chính sách thất bại của chính quyền Yoon Suk Yeol gây ra.
Những bệnh nhân lẽ ra có thể sống đã không qua khỏi, và vô số bệnh nhân khác cùng gia đình họ đang chìm trong tuyệt vọng... Tình hình này cần phải được giải quyết ngay lập tức", đại diện KMSA nói.
Nhóm sinh viên kêu gọi chính phủ tạo điều kiện cho họ trở lại và thành lập một cơ quan tư vấn để cải thiện điều kiện đào tạo. Tuy nhiên, KMSA chưa đưa ra bất kỳ chi tiết cụ thể nào về lịch trình trở lại lớp học, gây hoài nghi về khả năng khôi phục hoàn toàn các hoạt động học tập.
Động thái này được nhiều người đánh giá là một áp lực để chính phủ cho phép sinh viên trở lại trước khi các trường y đưa ra quyết định kỷ luật (dự kiến vào cuối tháng này).
Cuộc khủng hoảng bắt nguồn từ tháng 2/2024, khi chính phủ công bố kế hoạch tăng mạnh chỉ tiêu tuyển sinh trường y để giải quyết tình trạng thiếu bác sĩ trong bối cảnh dân số già hóa.
Đề xuất này đã vấp phải phản ứng dữ dội, khiến hàng nghìn bác sĩ nội trú đồng loạt đình công, làm tê liệt các bệnh viện lớn. Cuộc đối đầu kéo dài hơn một năm, leo thang khi các bác sĩ cấp cao và sinh viên y khoa tham gia cuộc tẩy chay.
Kể từ khi sinh viên y khoa bắt đầu nghỉ học, chỉ khoảng một nửa trong số đó đã quay lại. Nếu bế tắc tiếp diễn, hơn 8.000 sinh viên có thể đối mặt với kỷ luật, thậm chí 46 người có nguy cơ bị đuổi học.
Thủ tướng Kim Min-seok hoan nghênh động thái của KMSA, gọi đó là bước tiến lớn và cam kết giải quyết vấn đề thông qua đối thoại, mặc dù chưa rõ chi tiết thực hiện. Ông cũng chỉ trích chính quyền trước về việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh mà không có đủ dữ liệu.
Tuy nhiên, việc trở lại của sinh viên không đơn giản. Theo Korea Times, các trường và chính phủ vẫn cần quyết định liệu có miễn kỷ luật cho những sinh viên vắng mặt dài hạn hay không.
Hơn nữa, để các dịch vụ y tế được phục hồi hoàn toàn thì còn phụ thuộc vào việc các bác sĩ nội trú có chịu quay lại làm việc hay không. Hiệp hội Bác sĩ thực tập và nội trú Hàn Quốc đã khảo sát các bác sĩ thực tập về điều kiện trở lại làm việc của họ.
Tuy nhiên, các nhóm vận động quyền lợi bệnh nhân lại chỉ trích gay gắt giới y bác sĩ, cáo buộc họ lợi dụng sức khỏe bệnh nhân làm con bài mặc cả.
"Các bác sĩ chưa hề xin lỗi về những tổn hại mà họ gây ra", Hiệp hội Bệnh nặng Hàn Quốc nhấn mạnh, cam kết sẽ tiếp tục lên tiếng để yêu cầu một hệ thống chăm sóc sức khỏe đặt tính mạng bệnh nhân lên hàng đầu.
Sách về nghề giáo
Nếu độc giả có hứng thú với nghề giáo - một nghề nghiệp đặc biệt và đang trải qua những biến động lớn, mục Giáo dục giới thiệu một số lựa chọn:
Xin được nói thẳng (GS Hoàng Tụy) và Ước vọng cho học đường (GS Huỳnh Như Phương): Cuốn sách của hai nhà giáo tiên phong tại Việt Nam với nhiều suy nghĩ và những trăn trở của hai ông về tương lai nền giáo dục nước nhà.
Nghề giáo qua các tác phẩm thiếu nhi nổi tiếng: Tình thầy trò trong các tác phẩm văn chương nổi tiếng khiến độc giả cảm động bởi các nhân vật đã làm được những việc lớn lao, vượt xa chức trách của một giáo viên.