Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nói về việc mở rộng đối tượng định danh nhà giáo

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, đối với một số các địa phương có điều kiện thì nên khuyến khích dành nguồn lực để hỗ trợ cho nhà giáo.

Có thể xem xét phân cấp trong tuyển dụng giáo viên

Sáng 6/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận tại hội trường thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Nhà giáo.

Cuối giờ sáng, tiếp thu, giải trình làm rõ thêm các nội dung các ĐBQH quan tâm tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, qua các ý kiến phát biểu của các ĐBQH, ông cảm nhận được tinh thần, sự quan tâm, chia sẻ, thấu hiểu và hết sức đóng góp.

Các ý kiến đều có một cụm từ chung hoặc là "bày tỏ những mong muốn khác", "bày tỏ mong muốn thêm", "bổ sung thêm", "mong muốn cao hơn", "cụ thể hơn", "mạnh mẽ hơn", "bao quát hơn", "công bằng hơn", "bình đẳng hơn", "làm rõ thêm", "bổ sung thêm", "cần mạnh dạn hơn".

Về phía Ban soạn thảo, trong quá trình xây dựng luật, dự thảo ban đầu bao gồm 96 điều và theo tinh thần xây dựng văn bản pháp luật mới chỉ quy định những gì thuộc thẩm quyền của Quốc hội, còn thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì giao Chính phủ.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nói về việc mở rộng đối tượng định danh nhà giáo- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn (Ảnh: Media Quốc hội).

"Ban soạn thảo chúng tôi rất mạnh dạn cắt giảm, tiếp thu và phối với với Ủy ban Văn hóa và Xã hội. Bản dự thảo lần này còn 46 điều", Bộ trưởng Kim Sơn nói và cho biết sẽ nghiên cứu thêm các ý kiến của ĐBQH và một số nhóm ý kiến cần cụ thể hơn, chi tiết hơn, thực tế hơn.

Về vấn đề cơ quan, đơn vị triển khai tuyển dụng giáo viên. Trong dự thảo luật đang để cơ quan quản lý giáo dục là cơ quan chủ trì thực hiện việc tuyển dụng giáo viên cho các trường, các cơ sở giáo dục công lập.

Điều này, sẽ giải quyết được việc tuyển dụng giáo viên cho một phạm vi, tránh tình trạng một giáo viên phải dự thi nhiều nơi do quy mô hội đồng tuyển dụng quá nhỏ hoặc đảm bảo việc sử dụng biên chế trong phạm vi của đơn vị cấp tỉnh sẽ được tốt hơn. 

"Đơn vị quản lý giáo dục cấp tỉnh trực tiếp ở cấp sở giáo dục thì việc tổ chức hội đồng đảm bảo đề thi, nội dung sẽ thuận lợi hơn", ông Sơn nói.

Tuy nhiên, theo tinh thần phân cấp, phân quyền, Bộ trưởng cũng cho biết ngành có lưu ý là "ở nơi đâu sử dụng lao động thì ở nơi đó có quyền được tuyển dụng". Song theo Bộ trưởng điều lại khó áp dụng đối với các cơ sở giáo dục cấp mầm non và tiểu học.

"Vì với một trường mầm non, chỉ có rất ít các thầy, các cô bây giờ làm cả một Hội đồng tuyển dụng với các yêu cầu rất khắt khe, tuyển dụng viên chức sẽ rất khó khăn", Bộ trưởng nêu.

Do đó, theo Bộ trưởng theo quy định cơ quan quản lý giáo dục sẽ đóng vai trò là người tổ chức việc tuyển dụng, nhưng có thể xem xét phân cấp cho những cơ sở như các trường THPT có đủ điều kiện có thể tuyển dụng.

Quy định nghề chuyên nghiệp đạt chuẩn

Với một số ý kiến của các ĐBQH mong muốn mở rộng các đối tượng được hưởng các chính sách, định danh nhà giáo. Theo Bộ trưởng, trong Luật Nhà giáo đối tượng quy định chỉ là những người làm nghề nhà giáo với tư cách là một nghề chuyên nghiệp đạt chuẩn, còn các đối tượng khác như nhân viên trường học; những người tham gia trong quá trình giáo dục có các hoạt động giáo dục thì sẽ có các quy định khác.

"Chúng tôi cũng đồng ý với việc mở rộng huy động các đối tượng khác tham gia vào quá trình giáo dục. Điều đó sẽ được quy định ở trong Luật Giáo dục và các quy định khác. Còn trong Luật Nhà giáo thống nhất là chỉ có các đối tượng như vậy", Bộ trưởng cho biết.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nói về việc mở rộng đối tượng định danh nhà giáo- Ảnh 2.

Các đại biểu tại phiên thảo luận sáng 6/5 (Ảnh: Media Quốc hội).

Ngoài ra, theo Bộ trưởng đối với một số các địa phương có điều kiện thì nên khuyến khích dành nguồn lực địa phương hỗ trợ cho nhà giáo. Ví dụ Tp.HCM trong thời gian vừa qua đã chủ động dành nguồn kinh phí để hỗ trợ đời sống giáo viên đỡ khó khăn hơn, hạn chế tình trạng chuyển việc, nghỉ việc.

"Theo tôi, đây là điều rất đáng quý. Chúng ta ủng hộ cho sự công bằng, nếu đó là điều tốt đẹp với điều kiện người giáo viên được hưởng những chế độ tốt nhất. Không nên đảm bảo công bằng theo cách giữ cho nhà giáo đều khổ, đều khó như nhau. Chúng ta cần khuyến khích các nơi có điều kiện, còn ở những nơi chưa có điều kiện Nhà nước phải có thêm chính sách hỗ trợ các địa phương đó", ông Sơn cho hay.

Băn khoăn quy định không được công khai thông tin về sai phạm của nhà giáo

Cũng theo ông Sơn, thực tế các giáo viên ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc đang được hưởng nhiều chính sách ưu tiên.

Việc khuyến khích các địa phương có thêm chính sách hỗ trợ nhà giáo bảo đảm cuộc sống, phát triển nghề nghiệp phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, cơ sở giáo dục là cần thiết, để Trung ương và địa phương cùng chăm lo cho sự nghiệp giáo dục nói chung và nhà giáo nói riêng.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng thông tin, song song với dự thảo này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang chủ trì việc sửa đổi 3 luật liên quan: Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục nghề nghiệp. Cả 3 dự thảo này đã được đưa vào chương trình xây dựng pháp luật của kỳ họp tới.

Để nhà giáo không phải lo cơm áo gạo tiền

Phát biểu thảo luận tại hội trường, ĐBQH Bế Trung Anh (Đoàn Trà Vinh) cho rằng, vận mệnh quốc gia phụ thuộc vào giáo dục, còn chất lượng giáo dục phụ thuộc vào giáo viên. Nếu xác định như vậy thì đừng dành cho nhà giáo thuật ngữ ưu đãi.

Với họ, mỗi nhà giáo chân chính, có tự trọng thì không cho phép họ nhận bất cứ ưu đãi nào, họ chỉ cần xã hội đánh giá đúng vai trò đặc biệt của mình với đãi ngộ xứng tầm.

"Chúng ta có cảm nhận các nhà giáo ngày xưa được tôn trọng hơn bây giờ. Lúc đó họ có điều kiện, tâm huyết với nghề "lái đò" của mình, không cần suy tính hơn thiệt vì xung quanh không có ai thu nhập nhiều hơn. Nhưng nay mọi thứ đã khác, nhiều ngành nghề đã vượt lên, để lại các thầy cô vẫn ngơ ngác với đồng lương ổn định ở mức không đủ trang trải", đại biểu cho biết.

Để dạy học, giữ nghề và chứng minh con đường đã chọn, để con cái bằng chúng bằng bạn thì giáo viên phải làm thêm như bán hàng online, thầy giáo đi xe ôm, không ít cô giáo làm cò đất. Đại biểu cho rằng nếu như vậy sẽ chẳng ai trân quý một người không toàn tâm toàn ý với công việc, đặc biệt là việc dạy người.

Theo đại biểu, khi tiền lương dạy học không đủ trang trải cuộc sống, câu hỏi đó len lỏi trong sâu thẳm mỗi giáo viên. Đây là những câu hỏi cần có câu trả lời không chỉ đối với những người làm giáo dục.

Về bạo lực học đường, đại biểu đoàn Trà Vinh cho biết gần đây một số vụ việc xảy ra khiến cho định nghĩa về bạo lực học đường trở thành lạc hậu, lỗi thời khi chưa kịp bổ sung hành vi mới. Cô giáo, thầy giáo cũng là nạn nhân của học sinh và phụ huynh. Dư luận xã hội phần thì nói học sinh có lỗi, phần thì nói do gia đình, nhà trường, do giáo viên.

Theo đại biểu, bất kể nguyên nhân từ đâu thì nguyên nhân sâu xa là do chính sách với nhà giáo chưa đảm bảo được cuộc sống thường nhật để họ tập trung vào chuyên môn, sang trọng với nghề, ngạo nghễ với trò và có uy tín với xã hội.

Đại biểu đề nghị Quốc hội không chỉ phê chuẩn, thông qua luật này mà còn phải nỗ lực điều chỉnh gần với thực tiễn hơn nữa để nhà giáo không phải lo cơm áo gạo tiền, chạy bữa để họ tự hào với nghề, toàn tâm toàn ý cho việc dạy dỗ.

Link nội dung: https://www.phunuvathoidaivn.com/bo-truong-bo-gddt-noi-ve-viec-mo-rong-doi-tuong-dinh-danh-nha-giao-a126056.html