Chìa khóa nâng cao chất lượng đào tạo đại học trong kỷ nguyên số

Trước làn sóng chuyển đổi số và sự trỗi dậy của trí tuệ nhân tạo (AI), nhiều trường đại học tại Tp.HCM đang nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo, thông qua các ngày hội việc làm kết nối doanh nghiệp và sinh viên.

Giáo dục đại học “bắt tay” doanh nghiệp

Mới đây, nhiều trường đại học tại Tp.HCM đã tổ chức ngày hội việc làm nhằm kết nối doanh nghiệp và mở rộng cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên. 

Trường đại học Ngân hàng Tp.HCM (HUB) mang đến thông điệp “Nhân lực số – chìa khóa thành công trong kỷ nguyên AI”, thể hiện sự đồng hành của nhà trường với xu hướng chuyển đổi số và yêu cầu công nghệ hóa lực lượng lao động.

Trong khi đó, Trường đại học Gia Định (GDU) cũng tổ chức ngày hội việc làm với mục tiêu gắn kết đào tạo với thực tiễn doanh nghiệp. 

ThS.LS Trịnh Hữu Chung, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Gia Định nhấn mạnh: “Nhà trường luôn xem doanh nghiệp là đối tác chiến lược trong đào tạo. Việc tổ chức ngày hội việc làm cùng với việc đạt chứng nhận kiểm định chất lượng là minh chứng rõ nét cho cam kết của GDU trong việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội".

Chìa khóa nâng cao chất lượng đào tạo đại học trong kỷ nguyên số- Ảnh 1.

Đại diện nhà tuyển dụng chia sẻ tại Ngày hội việc làm HUB. (Ảnh: Nguyễn Lành).

Chuỗi hoạt động kéo dài suốt tháng 5 với gần 20 chương trình đa dạng, quy tụ hơn 100 gian hàng tại ba khu vực chính: Phố thực tập – việc làm gồm 60 gian hàng từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước hoạt động trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, công nghệ, logistics…; Phố sách và sản phẩm văn hóa với 15 gian hàng trong khuôn khổ Tuần lễ Sách; cùng nhiều hoạt động hướng nghiệp và đào tạo kỹ năng dành cho sinh viên.

Giỏi chuyên môn thôi chưa đủ trong kỷ nguyên công nghệ

Phát biểu tại Ngày hội, PGS.TS Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM nhấn mạnh, trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, sinh viên nếu chỉ giỏi chuyên môn mà thiếu kỹ năng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ nhanh chóng bị tụt lại trong thị trường lao động cạnh tranh.

“Việc làm ngày nay không chỉ đòi hỏi kiến thức ngành mà còn yêu cầu năng lực lập trình, xử lý dữ liệu lớn, hiểu và vận dụng công nghệ số. Do đó, nhà trường đã tích hợp kiến thức công nghệ vào chương trình đào tạo, đồng thời mời các chuyên gia hàng đầu về AI trực tiếp giảng dạy để sinh viên có nền tảng vững chắc, sẵn sàng thích ứng với xu hướng mới", ông Trung chia sẻ.

Chìa khóa nâng cao chất lượng đào tạo đại học trong kỷ nguyên số- Ảnh 2.

Sinh viên Trường đại học Gia Định tham gia tư vấn việc làm, (Ảnh: MP).

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp Tp.HCM cho rằng, để sinh viên có thể đáp ứng yêu cầu việc làm trong kỷ nguyên số, các cơ sở đào tạo cần xây dựng chương trình học thực sự hiệu quả.

“Đào tạo nhân lực công nghệ số không thể chỉ dừng ở lý thuyết. Chương trình học cần gắn liền với thực tiễn, kết hợp các nền tảng trực tuyến, hệ thống chứng chỉ kỹ năng. Quan trọng nhất là phương pháp giảng dạy phải tích hợp học tập vào quy trình làm việc, giúp sinh viên và người học phát triển kỹ năng một cách liên tục và bền vững", ông Tuấn nhấn mạnh.

Chìa khóa nâng cao chất lượng đào tạo đại học trong kỷ nguyên số- Ảnh 3.

Đại diện nhà trường chia sẻ thông tin về Ngày hội việc làm tại HUB.

Đà Nẵng đã sẵn sàng hạ tầng và nhân lực để bứt phá với trí tuệ nhân tạo (AI)Đà Nẵng công nhận FPT và Marvell Việt Nam là đối tác chiến lược trong lĩnh vực vi mạch, trí tuệ nhân tạoĐề xuất miễn tiền thuê đất cho dự án chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo

Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp Tp.HCM, việc tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) vào lực lượng lao động đang làm thay đổi sâu sắc cơ cấu ngành nghề. 

Các nhóm ngành mới sẽ hình thành theo hướng tích hợp công nghệ, phù hợp với mô hình nhân lực số, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số và khả năng thích ứng nhanh với biến động công nghệ trong môi trường cạnh tranh toàn cầu. Điều này đòi hỏi hệ thống giáo dục – đào tạo phải thay đổi mạnh mẽ, từ nội dung đến cách thức triển khai.

“Việc đào tạo không chỉ dừng lại ở việc trang bị kiến thức, mà cần tiến xa hơn với việc ứng dụng các công nghệ như AI, dữ liệu lớn, học máy, thực tế ảo và tăng cường... để xây dựng môi trường học tập thông minh, cá nhân hóa. Đồng thời, cần chú trọng phát triển năng lực xã hội, tinh thần và đảm bảo an toàn cho người học", ông Tuấn nói.

Nguyễn Lành

Link nội dung: https://www.phunuvathoidaivn.com/chia-khoa-nang-cao-chat-luong-dao-tao-dai-hoc-trong-ky-nguyen-so-a126643.html