Vì sao stress khiến bạn tăng cân?

Căng thẳng kéo dài kích thích cơ thể tiết ra hormone cortisol thúc đẩy quá trình tích tụ mỡ, gây mất ngủ khiến cân nặng tăng nhanh.

Tăng cân nhanh và bất thường có thể do nhiều nguyên nhân như thói quen ăn uống không lành mạnh, mất ngủ, rối loạn nội tiết, tác dụng phụ của thuốc, rối loạn tâm lý. Trong đó, căng thẳng và áp lực là một trong những nguyên nhân gây tăng cân thường gặp. TS.BS. Phạm Văn Dương, khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, giải thích các cơ chế khiến căng thẳng thúc đẩy thừa cân.

Tăng tiết hormone cortisol

Khi cơ thể đối diện với căng thẳng (stress), tuyến thượng thận tiết ra hormone cortisol để cơ thể phản ứng nhanh với tình huống này. Cortisol có vai trò điều chỉnh năng lượng, giúp cơ thể sử dụng nguồn dự trữ năng lượng. Tuy nhiên, hormone này tăng cao trong thời gian dài thúc đẩy quá trình tích trữ mỡ, nhất là ở vùng bụng. Bởi mức cortisol tăng khiến đói liên tục và ăn thường xuyên nhằm thỏa mãn cơn đói.

Ăn đồ ngọt giải tỏa căng thẳng

Khi stress, nhiều người tìm đến thức ăn để giải tỏa cảm xúc (emotional eating). Họ có xu hướng chọn thực phẩm chứa nhiều đường và chất béo, tinh bột hay thực phẩm chế biến sẵn. Thói quen ăn uống không lành mạnh này dễ gây tích tụ mỡ, dẫn đến tăng cân nhanh. Rối loạn tâm lý này có thể khiến cơ thể mất khả năng phân biệt giữa cơn đói thực sự và cảm giác thèm ăn do tâm lý. Điều này thúc đẩy họ ăn nhiều hơn, lượng calo nạp vào cơ thể không kiểm soát được, dẫn đến tích tụ mỡ và tăng cân.

Căng thẳng khiến một người thu mình, lười vận động. Ảnh minh họa: Khuê Lâm

Căng thẳng khiến một người thu mình, lười vận động. Ảnh minh họa: Khuê Lâm

Giảm hoạt động thể chất

Khi căng thẳng, cơ thể mệt mỏi và ít muốn vận động, làm giảm hiệu quả đốt cháy calo, dẫn đến lượng calo tiêu hao thấp hơn lượng calo nạp vào từ chế độ ăn uống. Tình trạng này gây tích tụ mỡ thừa, nhất là mỡ vùng bụng và các vùng dễ tăng cân khác.

Mất ngủ

Căng thẳng kéo dài cũng có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ. Khi thiếu ngủ, cơ thể sản sinh ra hormone ghrelin kích thích cảm giác thèm ăn và giảm lượng hormone leptin (hormone ức chế cảm giác thèm ăn). Thiếu ngủ kéo dài không chỉ làm tăng nguy cơ tăng cân mà còn gây ra mệt mỏi và giảm hiệu quả làm việc.

Stress không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần mà còn tác động trực tiếp đến cơ thể, nhất là cân nặng. Để giữ cân nặng phù hợp và đảm bảo sức khỏe, bác sĩ Dương khuyên mỗi người cần kiểm soát stress như thiền, yoga, tập thể dục đều đặn, ăn uống lành mạnh.

Khuê Lâm

Độc giả đặt câu hỏi bệnh nội tiết tại đây để bác sĩ giải đáp

Link nội dung: https://www.phunuvathoidaivn.com/vi-sao-stress-khien-ban-tang-can-a128048.html