Tạp chí quốc tế gỡ bài báo có giảng viên và 3 học sinh Việt đứng tên

Tạp chí Journal of Intelligent & Fuzzy Systems (JIFS) thuộc Nhà xuất bản Sage vừa gỡ bỏ bài báo của nhóm tác giả Việt Nam, trong đó có 3 người là học sinh THPT.

go bai bao khoa hoc,  Ivycation Company anh 1

Bài báo của nhóm tác giả Việt vừa bị gỡ bỏ. Ảnh: Retraction Watch for Vietnam.

Bài báo có tên Applying deep learning to wireless sensor networks for monitoring students’ emotion in high schools (Sử dụng học sâu và mạng cảm biến không dây để theo dõi cảm xúc học sinh trung học - PV), đăng ngày 3/8/2023.

Vấn đề liên quan đến việc nộp bài và bình duyệt

Theo thông báo gỡ bài, Nhà xuất bản Sage đã tiến hành điều tra và phát hiện bài báo có một hoặc nhiều trong số những vấn đề sau liên quan đến việc nộp bài và bình duyệt:

Thao túng trích dẫn, bao gồm các trích dẫn không liên quan đến nội dung bài báo;Những đoạn rối rắm, thừa thãi và các cụm từ bị xuyên tạc;Khả năng có sự tham gia trái phép của bên thứ ba trong quá trình nộp bài;Bằng chứng cho thấy sự thông đồng giữa các tác giả và những người phản biện;Trích dẫn các bài báo khác đã bị gỡ bỏ do có dấu hiệu liên quan đến bên thứ ba và quy trình phản biện bị thao túng.

Tác giả đứng đầu của bài báo là PGS.TS Lê Quang Thảo, giảng viên khoa Vật lý, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Danh sách tác giả còn có bà Nguyễn Thị Bích Diệp, địa chỉ làm việc là công ty Ivycation Company, có trụ sở ở Hà Nội. Ba học sinh THPT (thời điểm xuất bản) là em L.K.L. (trường TH - THCS - THPT Reigate Việt Nam); T.N.B.L. (trường THCS - THPT Nguyễn Siêu, Hà Nội); và N.V.L. (trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam). Một sinh viên D.Đ.C. (khoa Toán - Cơ - Tin học, Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội).

Trước những thông tin trên, Tri Thức - Znews đã liên hệ PGS.TS Lê Quang Thảo qua email để trao đổi chính thức, song tới nay chưa nhận được phản hồi.

Trường đại học lên tiếng

Trao đổi với Tri Thức - Znews, PGS.TS Trần Quốc Bình, Phó hiệu trưởng Đại học Khoa học Tự nhiên, cho biết nhà trường đã nắm được thông tin về bài báo bị gỡ có PGS.TS Lê Quang Thảo là tác giả.

Nhà trường đã yêu cầu ông Thảo làm rõ vấn đề. Hiện tại, ông Thảo đã đề nghị JIFS cho biết lý do cụ thể về việc bài báo bị gỡ để vụ việc được tường minh.

"Hiện tại, tạp chí chưa có phản hồi trước đề nghị của ông Thảo. Ý kiến của JIFS rất quan trọng vì họ là người ra quyết định nó chấp nhận bài và gỡ bài", theo ông Bình.

Đối với trường hợp học sinh THPT cùng hợp tác nghiên cứu và công bố bài báo quốc tế với giảng viên, PGS.TS Trần Quốc Bình cho biết nhà trường đã ban hành hướng dẫn về đạo đức trong nghiên cứu khoa học.

Trong đó có hướng dẫn người nghiên cứu được coi là tác giả hay đồng tác giả của một công bố khoa học khi có đóng góp đáng kể vào sự hình thành nội dung và kết quả công bố, cũng như đồng ý cùng chịu trách nhiệm về nội dung của toàn bộ công bố.

Ngoài ra, hiện tại, nhà trường cũng đã đề nghị ông Thảo làm rõ những đóng góp về mặt khoa học của bà Nguyễn Thị Bích Diệp đối với bài báo.

"Đây là mối quan tâm chính chứ không phải là địa chỉ làm việc của bà Diệp", ông Bình cho biết ông Thảo đang rà soát lại quá trình nghiên cứu (cách đây đã hơn 2 năm) để có câu trả lời tường minh về vấn đề này.

Vị phó hiệu trưởng khẳng định nhà trường sẽ xác minh đầy đủ thông tin để có cơ sở đưa ra kết luận xác đáng theo quan điểm tuân thủ các nguyên tắc về liêm chính khoa học.

Theo tìm hiểu của Tri Thức - Znews, ông Lê Quang Thảo vừa được công nhận chức danh phó giáo sư năm 2024. Trong hồ sơ đăng ký xét công nhận năm 2024, ông Thảo đã công bố 31 công trình khoa học, trong đó có 19 công trình nằm trong danh mục ISI/Scopus, trong đó có JIFS.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Bích Diệp là Giám đốc Ivycation Company - được giới thiệu trên trang Facebook là "đơn vị luyện thi SAT số 1 trên toàn quốc với điểm thi trung bình của học sinh đạt 1.450. Đưa thế hệ trẻ tới cánh cửa Ivy League, khẳng định Việt Nam trên bản đồ thế giới".

Thông tin bài báo khoa học bị gỡ đã thu hút sự chú ý của dư luận. Nhiều người đặt nghi vấn về mối quan hệ giữa việc công bố bài báo khoa học có tên học sinh và hoạt động tư vấn du học của công ty Ivycation Company, đặc biệt là trong bối cảnh nhiều chương trình du học yêu cầu thành tích nghiên cứu khoa học.

Được biết, JIFS thường được xếp vào nhóm tạp chí Q2 hoặc Q3 (các tạp chí có chất lượng tốt) tùy thuộc vào danh mục chủ đề và hệ thống xếp hạng. Đây là một tạp chí được lập chỉ mục trong các cơ sở dữ liệu uy tín như Scopus và Science Citation Index Expanded (SCIE) của Web of Science.

Tuy nhiên, theo dữ liệu từ Retraction Watch (một tổ chức phi lợi nhuận chuyên theo dõi các bài báo bị thu hồi), sau khi Nhà xuất bản Sage đã tiến hành điều tra, JIFS đã bị thu hồi tổng cộng 1.561 bài báo khoa học kể từ đầu năm 2024.

Đây được xem là đợt thu hồi trong chiến dịch điều tra và làm sạch tạp chí này khỏi các hoạt động liên quan đến dịch vụ mua bán bài báo (paper mills).

Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?

Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Được học tại đây.

Link nội dung: https://www.phunuvathoidaivn.com/tap-chi-quoc-te-go-bai-bao-co-giang-vien-va-3-hoc-sinh-viet-dung-ten-a128102.html