Trả lời:
Sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm có diễn biến theo ba giai đoạn chính. Trong giai đoạn đầu (giai đoạn sốt), trẻ có thể chưa có dấu hiệu nguy hiểm. Bạn có thể chăm sóc tại nhà cho bé nếu đáp ứng các điều kiện: không có bệnh nền, không thuộc thể thừa cân - béo phì, có khả năng uống nước, đáp ứng tốt với thuốc hạ sốt và nhiệt độ không quá cao, đồng thời không bị nôn, đi tiểu bình thường.
Một số điều các cha mẹ cần lưu ý khi chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết tại nhà như sau:
Hạ sốt đúng cách: Phụ huynh nên sử dụng thuốc hạ sốt nhóm Paracetamol với liều lượng phù hợp theo công thức 10 - 15 mg/kg/lần, có thể lặp lại sau mỗi 4-6 giờ nếu trẻ sốt cao và khó chịu. Gia đình không sử dụng Ibuprofen và Aspirin vì các loại thuốc này có thể làm tăng nguy cơ xuất huyết.
Bù dịch qua đường uống: Bù dịch qua đường uống là biện pháp quan trọng giúp phòng ngừa biến chứng nguy hiểm của sốt xuất huyết. Cha mẹ có thể cho trẻ uống các loại nước trái cây, nước dừa, nước cam, nước súp, cháo loãng, sữa... Tuy nhiên, gia đình lưu ý trong giai đoạn bệnh, trẻ dễ bị nôn, cần cho uống từng lượng nhỏ, theo dõi phản ứng của trẻ, không ép trẻ uống khi trẻ khó chịu.
Một dấu hiệu quan trọng giúp đánh giá tình trạng bù dịch của trẻ là tần suất đi tiểu. Nếu trẻ vẫn đi tiểu đều đặn mỗi 4-6 giờ, nước tiểu có màu sắc bình thường, chứng tỏ trẻ đã được bù dịch đầy đủ.
Khi chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết tại nhà, cha mẹ cần theo dõi kỹ các dấu hiệu bệnh. Ảnh minh họa: Vecteezy
Chế độ dinh dưỡng: Trong những ngày bị sốt xuất huyết, trẻ có thể biếng ăn, thay đổi vị giác. Do đó, phụ huynh nên ưu tiên các thực phẩm giàu dinh dưỡng, chế biến phù hợp với sở thích của trẻ, để đảm bảo trẻ nhận đủ năng lượng cần thiết.
Nhận biết dấu hiệu cảnh báo và thời điểm đưa trẻ đi khám: Phụ huynh cần nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện khi một trong các dấu hiệu: đau bụng tăng dần, đặc biệt là vùng gan, nôn nhiều, liên tục, có thể nôn ra dịch lẫn máu; vật vã, li bì, không thể uống nước; xuất huyết trên da và niêm mạc như chảy máu cam, chảy máu răng lợi, nôn ra máu, đi ngoài phân đen; tiểu ít hơn bình thường hoặc không đi tiểu trong nhiều giờ.
Gia đình cho trẻ điều trị tại bệnh viện nếu có bệnh nền như hen suyễn, béo phì, bệnh tim mạch, hoặc không thể uống nước, không đáp ứng với thuốc hạ sốt, hoặc gia đình ở xa cơ sở y tế.
Việc nhận biết sốt xuất huyết có thể gặp nhiều khó khăn ngay cả với người lớn, trong khi nhiều trẻ còn chưa thể diễn đạt triệu chứng của mình. Do đó, sự theo dõi sát sao và chăm sóc đúng cách của phụ huynh đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình điều trị bệnh tại nhà.
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm lây qua vết đốt của muỗi vằn cái mang virus. Với 4 type huyết thanh virus gây bệnh gồm Den-1, Den-2, Den-3, Den-4, mỗi người có thể mắc bệnh tới 4 lần và nguy cơ bệnh nặng hơn ở những lần sau. Để phòng ngừa sốt xuất huyết, cha mẹ nên vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng, đổ bỏ nước thừa đọng quanh nhà, phát quang bụi rậm... tránh cho muỗi trú ngụ, sinh sản, nên ngủ trong mùng kể cả ban ngày.
Vaccine giúp phòng bệnh sốt xuất huyết hiệu quả. Hiện Việt Nam đã có vaccine Qdenga (Nhật Bản) phòng ngừa sốt xuất huyết, có thể tiêm cho trẻ từ 4 tuổi và người lớn. Lịch tiêm gồm hai mũi, cách nhau 3 tháng.
Phụ nữ nên hoàn thành lịch tiêm tốt nhất trước khi mang thai ba tháng, tối thiểu một tháng. Vaccine giúp phòng ngừa hơn 80% nguy cơ mắc bệnh và tái mắc, đồng thời ngăn nguy cơ nhập viện đến 90% do sốt xuất huyết.
Bác sĩ Nguyễn Như Điền
Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC
Độc giả đặt câu hỏi tư vấn vaccine để bác sĩ trả lời tại đây.
Link nội dung: https://www.phunuvathoidaivn.com/cham-tre-mac-sot-xuat-huyet-tai-nha-nhu-the-nao-a128131.html