Ứng dụng Telegram bị chặn tại Việt Nam: Cỗ máy in tiền 1 tỷ USD trước khi bị "siết vòng kim cô"

Ứng dụng Telegram bị chặn tại Việt Nam cũng đang bị siết lệnh cấm tại nhiều quốc gia.

Ứng dụng Telegram bị chặn tại Việt Nam: Cỗ máy in tiền 1 tỷ USD trước khi bị "siết vòng kim cô"- Ảnh 1.

Ứng dụng Telegram bị chặn tại Việt Nam

Cục Viễn thông (Bộ Khoa học và Công nghệ) vừa gửi văn bản yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông ngăn chặn dịch vụ viễn thông cơ bản trên internet có dấu hiệu vi phạm pháp luật, trong đó có hoạt động của Telegram, theo đề nghị phối hợp từ Cục An ninh mạng (Bộ Công an).

Theo văn bản, cơ quan công an thông tin về các vi phạm pháp luật liên quan đến ứng dụng Telegram như có tới 68% kênh, nhóm xấu độc trong tổng số 9.600 kênh, nhóm Telegram tại Việt Nam .

Bên cạnh đó, thời gian qua, xảy ra nhiều vụ lừa đảo trên Telegram với tổng số tiền hơn 1.000 tỷ đồng, hơn 13.000 nạn nhân được ghi nhận, dữ liệu của 23 triệu người dân bị rao bán.

Nhiều hội, nhóm với hàng chục nghìn đối tượng tham gia, do các đối tượng chống đối, phản động tạo lập, phát tán tài liệu chống phá, xảy ra nhiều vụ việc liên quan đến lừa đảo, rao bán dữ liệu người dùng, ma tuý; có trường hợp nghi vấn liên quan đến khủng bố,...

Ứng dụng Telegram bị chặn tại Việt Nam: Cỗ máy in tiền 1 tỷ USD trước khi bị "siết vòng kim cô"- Ảnh 2.

Nhiều vụ lừa đảo trên Telegram với tổng số tiền hơn 1.000 tỷ đồng.

Theo quy định tại Nghị định 147/2024/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, Telegram cung cấp thông tin xuyên biên giới cho người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam. Phải có trách nhiệm thông báo thông tin liên hệ cho cơ quan quản lý; kiểm tra giám sát, loại bỏ, ngăn chặn thông tin, dịch vụ, ứng dụng vi phạm pháp luật liên quan khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền như Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao hay Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử.

Trường hợp tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cung cấp thông tin xuyên biên giới vi phạm quy định của pháp luật Việt Nam, không hợp tác với cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam triển khai các biện pháp kỹ thuật để "Ngăn chặn những hành vi lợi dụng Internet gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục và vi phạm quy định của pháp luật. Áp dụng các biện pháp bảo vệ trẻ em, thanh thiếu niên khỏi tác động tiêu cực của Internet.

Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao đã đề nghị Cục Viễn thông chỉ đạo các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet tiến hành các biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn hoạt động Telegram tại Việt Nam .

Ứng dụng Telegram bị chặn tại Việt Nam: Cỗ máy in tiền 1 tỷ USD trước khi bị "siết vòng kim cô"- Ảnh 3.

CEO Telegram Pavel Durov.

Telegram kiếm tiền như thế nào?

Cuối tháng 12/2024, Telegram tuyên bố năm 2024 đánh dấu lần đầu tiên nền tảng này thu lợi nhuận ròng, với doanh thu hơn 1 tỷ USD. Số tiền mặt dự trữ của Telegram đạt 500 triệu USD, chưa kể tài sản tiền ảo.

Thành tựu này đạt được sau 3 năm triển khai gói đăng ký có trả phí và hiển thị quảng cáo , và ứng dụng này sở hữu gần 1 tỷ người dùng, trong đó 12 triệu người sẵn sàng chi 5 USD/tháng cho các tính năng cao cấp.

Trong đó, gói Premium được bán từ năm 2022, khi nền tảng đạt khoảng 700 triệu người dùng. Trong năm 2024, ứng dụng tiếp tục bổ sung một số tính năng kiếm tiền như tặng phẩm, quảng cáo, tính năng Business, Gateway.

Cùng với doanh thu tăng mạnh, Telegram cũng đối mặt với áp lực kiểm duyệt nội dung, đặc biệt là các cáo buộc về việc chứa thông tin bất hợp pháp. Hồi tháng 8/2024, CEO Telegram Pavel Durov bị bắt tại Pháp.

Vị tỉ phú gốc Nga 40 tuổi này bị cáo buộc về hàng loạt vi phạm liên quan đến ứng dụng nhắn tin phổ biến mà ông sáng lập.

Tại Pháp, sau nhiều ngày thẩm vấn, ông Durov bị buộc tội với nhiều cáo buộc, trong đó có việc không kiểm soát nội dung cực đoan và khủng bố trên Telegram. CEO Telegram được tại ngoại sau khi nộp 5 triệu euro (5,6 triệu USD) tiền bảo lãnh.

Bị "siết vòng kim cô"

Trước Việt Nam, nhiều quốc gia cũng đã siết chặt lệnh cấm Telegram. Tháng 9/2024, cảnh sát Hàn Quốc mở cuộc điều tra Telegram do lo ngại ứng dụng khởi nguồn cho các đường dây tội phạm tình dục trực tuyến.

Cũng trong năm này, ứng dụng tỷ đô này phải đối mặt với lệnh cấm tiềm tàng tại Ấn Độ, nơi ước tính có 104 triệu người dùng và là nền tảng có lượng người dùng lớn nhất của Telegram.

Trước đó, kể từ năm 2015 đã có 31 quốc gia cấm nền tảng Telegram tạm thời hoặc vĩnh viễn. Người Tây Ban Nha đã không thể sử dụng Telegram trong thời gian ngắn vào tháng 3/2024 vì lệnh cấm ứng dụng sau khi 4 tập đoàn truyền thông nổi tiếng của nước này (bao gồm Mediaset, Atresmedia, Movistar và Egeda) phàn nàn rằng Telegram phát tán nội dung mà không xin phép bản quyền.



Link nội dung: https://www.phunuvathoidaivn.com/ung-dung-telegram-bi-chan-tai-viet-nam-co-may-in-tien-1-ty-usd-truoc-khi-bi-siet-vong-kim-co-a128349.html