Trong thời đại AI phát triển bùng nổ, các công cụ như Gemini, ChatGPT hay Midjourney ngày càng dễ tiếp cận, mở ra nhiều khả năng sáng tạo hình ảnh chưa từng có. Tuy nhiên, song hành với sự tiện lợi đó là một thực tế đáng lo ngại: ngày càng nhiều người dùng mạng xã hội dùng AI để dựng nên những “kịch bản viễn tưởng” rồi chia sẻ công khai như thật.
Trên các nền tảng mạng xã hội, xuất hiện nhiều hình ảnh được tạo bằng AI, trong đó một cá nhân bình thường được “hô biến” thành nhân vật hào nhoáng: đứng cạnh siêu xe bạc tỷ, diện trang phục hàng hiệu. Cạnh đó là hình ảnh một chiến sĩ Cảnh sát giao thông (CSGT) đang lập biên bản, tạo nên bối cảnh như thể một vụ vi phạm giao thông vừa xảy ra.

Hình ảnh lực lượng CSGT đang lập biên bản tạo bằng AI. Ảnh chụp màn hình
Điểm đáng nói là các hình ảnh này thường được dàn dựng tại những địa điểm quen thuộc trong thành phố, khiến chúng trở nên vô cùng chân thực. Điều này dễ khiến người xem hiểu nhầm đây là sự kiện thật, dẫn đến tác động tiêu cực về nhận thức và lòng tin với lực lượng chức năng.
Điều đáng nói, người trong ảnh thường thú nhận rằng họ làm vậy chỉ để “cho vui”, “thử công nghệ”, hoặc câu like. Nhưng đằng sau cái gọi là “giải trí” đó lại là một vấn đề rất nghiêm trọng: hình ảnh của lực lượng công an bị đưa vào bối cảnh giả mạo, sai sự thật, dễ gây hiểu lầm, xuyên tạc và làm xói mòn niềm tin vào những người thực thi pháp luật.

Hành vi tạo ảnh vi phạm giao thông bằng AI có thể bị xử phạt. Ảnh chụp màn hình
Theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP, việc cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật, xúc phạm danh dự tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các lực lượng Công an nhân dân có thể bị xử phạt hành chính lên đến hàng chục triệu đồng. Nếu hành vi gây hậu quả nghiêm trọng hơn, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Mạng xã hội không phải là một cõi ngoài vòng pháp luật. Dù là thế giới ảo, mọi hành vi tại đây đều phải tuân thủ quy định thật. Trong bối cảnh AI ngày càng mạnh mẽ, người dùng càng phải cẩn trọng và có trách nhiệm với nội dung mình tạo ra.