Quy định mới khép kín quy trình điều trị, tạo thuận lợi cho người bệnh

Quy định mới trao quyền tổng hợp đơn thuốc cho bác sĩ khám chính, giúp tránh trùng lặp, đảm bảo điều trị toàn diện, người bệnh được hưởng lợi nhờ quy trình khép kín, an toàn hơn.

Thông tư 26 của Bộ Y tế, có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, quy định chi tiết việc kê đơn thuốc điều trị ngoại trú cho người có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) với nhiều điểm mới đáng chú ý. 

Trong đó, nổi bật là quy định cho phép bác sĩ kê đơn tối đa 90 ngày cho bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, giới hạn hiệu lực đơn thuốc BHYT trong 5 ngày tại các nhà thuốc ngoài bệnh viện và cơ chế thống nhất đơn thuốc khi người bệnh khám nhiều chuyên khoa cùng lúc.

Những thay đổi này vừa mở rộng quyền lợi, tạo thuận lợi hơn cho người bệnh vừa đặt ra yêu cầu cao hơn về trách nhiệm, sự cẩn trọng của bác sĩ trong chỉ định. 

Được Bộ Y tế giao tham gia xây dựng nội dung Thông tư, Bệnh viện Bạch Mai đã triển khai các quy định mới nhằm mang lại lợi ích tốt nhất cho hàng nghìn bệnh nhân tiếp nhận, điều trị mỗi ngày.

Trao đổi với phóng viên, ThS.BSCKII Trần Thái Sơn – Phó Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp Bệnh viện Bạch Mai cho biết đơn vị vốn đã được Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) mời tham gia góp ý xây dựng Thông tư ngay từ giai đoạn soạn thảo.

"Ngay khi dự thảo được lấy ý kiến, chúng tôi đã chủ động phổ biến đến đội ngũ bác sĩ những nội dung dự kiến, liên tục cập nhật để ai cũng sẵn sàng đón nhận. Vì thế, khi Thông tư chính thức ban hành vào tháng 6, chúng tôi triển khai khá suôn sẻ, không gặp lúng túng, bị động. Đó là một thuận lợi lớn", ThS. Sơn nói.

Quy định mới khép kín quy trình điều trị, tạo thuận lợi cho người bệnh- Ảnh 1.

Được Bộ Y tế giao tham gia xây dựng nội dung Thông tư, BV Bạch Mai đã triển khai các quy định mới nhằm mang lại lợi ích tốt nhất cho hàng nghìn bệnh nhân tiếp nhận, điều trị mỗi ngày.

Một trong những điểm mới được đánh giá cao là quy định cho phép bác sĩ kê đơn tối đa 90 ngày đối với bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính thuộc danh mục 252 bệnh. Theo ThS. Sơn, đây là một thay đổi tích cực, giúp người bệnh tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí đi lại, nhất là với những người ở xa hoặc sức khỏe yếu.

"Tuy nhiên, không phải ai cũng nên kê dài ngày. Bác sĩ phải đánh giá kỹ tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân. Có trường hợp ổn định có thể kê 90 ngày, nhưng có trường hợp chỉ nên kê 5–10 ngày vì bệnh đang cấp tính, cần theo dõi sát. 

Nguyên tắc của chúng tôi là cá thể hóa phác đồ, kê đơn đúng người, đúng bệnh, vừa tiết kiệm quỹ BHYT vừa giúp người bệnh tuân thủ điều trị tốt hơn", bác sĩ nhấn mạnh.

Một điểm đáng lưu ý khác của Thông tư 26 là đơn thuốc BHYT chỉ có hiệu lực tối đa 5 ngày kể từ khi kê, trong khi đơn thuốc người bệnh tự mua không bị khống chế về thời gian. 

ThS. Sơn cho biết, quy định này không mới với bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai, nhưng bệnh viện vẫn yêu cầu đội ngũ nhắc nhở, hướng dẫn bệnh nhân thật rõ ràng để tránh việc lỡ thời gian, phải khám lại phiền phức.

Quy định mới khép kín quy trình điều trị, tạo thuận lợi cho người bệnh- Ảnh 2.

ThS.BSCKII Trần Thái Sơn – Phó Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp Bệnh viện Bạch Mai.

Với đơn tự mua, bác sĩ cũng phải giải thích cụ thể về thời gian tốt nhất để mua thuốc và cách bảo quản đúng. Đây là kỹ năng giao tiếp quan trọng, hạn chế rủi ro trong quá trình điều trị.

Để đồng bộ triển khai, bệnh viện đã tích hợp quy định mới vào phần mềm hồ sơ bệnh án điện tử, tập huấn đồng loạt cả trực tiếp lẫn trực tuyến cho toàn bộ cán bộ, từ bác sĩ trực tiếp khám chữa bệnh đến nhân viên gián tiếp.

Với hàng nghìn lượt khám mỗi ngày, việc giám sát chất lượng kê đơn tại Bạch Mai được thực hiện rất nghiêm ngặt. Phần mềm quản lý của bệnh viện có tính năng cảnh báo tự động về tương tác thuốc, cảnh báo thuốc dễ nhầm lẫn… giúp bác sĩ kiểm soát tốt hơn.

Hằng tuần, bệnh viện tổ chức bình đơn thuốc, bộ phận chuyên môn rà soát lại các đơn đã kê, phát hiện bất cập như trùng thuốc, kê sai chỉ định, kê thuốc bổ không cần thiết… và yêu cầu bác sĩ điều chỉnh kịp thời. Việc này giúp đảm bảo an toàn điều trị, tiết kiệm chi phí, giảm rủi ro không đáng có.

Thu hồi một loại thuốc điều trị tuần hoàn não do không đạt chất lượngNguy cơ bùng dịch Covid-19, Bộ Y tế yêu cầu đáp ứng kịp thời thuốc điều trị

Đặc biệt, Thông tư 26 trao quyền tổng hợp đơn thuốc cuối cùng cho bác sĩ khám chính khi bệnh nhân khám nhiều chuyên khoa trong cùng một lần. 

"Trước đây công việc này do lãnh đạo khoa khám bệnh đảm trách. 

Giờ đây, bác sĩ khám chính, người hiểu rõ nhất tình trạng bệnh nhân sẽ chịu trách nhiệm tổng hợp. Khi cần thiết, có thể yêu cầu hội chẩn toàn viện. Cách làm này vừa tránh trùng lặp, vừa đảm bảo điều trị toàn diện hơn", ThS. Sơn phân tích.

Dù chưa phát sinh khó khăn lớn, Bệnh viện Bạch Mai vẫn xác định cần tiếp tục bám sát thực tiễn để kịp thời điều chỉnh. Một số vấn đề như hướng dẫn bảo quản thuốc, nhất là thuốc cần bảo quản lạnh, được bệnh viện đặc biệt lưu ý để người bệnh tránh làm hỏng thuốc, ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị.

ThS.BSCKII Trần Thái Sơn khẳng định: "Ngoài việc kê đơn chính xác, bác sĩ cần dặn dò kỹ lưỡng, tư vấn rõ ràng để người bệnh tuân thủ điều trị tốt nhất. Kê đơn phải cá thể hóa, tránh máy móc, vừa bảo đảm hiệu quả điều trị, vừa tiết kiệm cho quỹ BHYT".

Link nội dung: https://www.phunuvathoidaivn.com/quy-dinh-moi-khep-kin-quy-trinh-dieu-tri-tao-thuan-loi-cho-nguoi-benh-a134305.html