Nghề thủ công trăm năm tuổi
Tại xã Tân Trung, thành phố Gò Công, tỉnh Tiền Giang (nay là phường Sơn Qui, tỉnh Đồng Tháp), nghề khảm xà cừ, hay còn gọi là cẩn xà cừ đã tồn tại hơn một thế kỷ, không chỉ là một nghề thủ công truyền thống mà còn là nguồn sống của hàng trăm gia đình.
Nghề khảm xà cừ đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa và kinh tế của người dân nơi đây.
Để có mảnh xà cừ hoàn chỉnh khảm vào các sản phẩm mỹ nghệ, người thợ phải làm nhiều công đoạn từ chẻ vỏ ốc thành mảnh rồi mài sạch lớp vỏ ngoài chỉ giữ lại lớp xà cừ sáng bóng.
Từ những vỏ ốc biển lấp lánh, người thợ khảm xà cừ đã khéo léo tạo ra những sản phẩm mỹ nghệ tinh xảo, từ tủ thờ, tranh đến các vật dụng trang trí khác. Nghề này vừa mang lại thu nhập ổn định cho người dân, vừa giúp họ gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của quê hương.
Quá trình khảm xà cừ bắt đầu từ việc thu thập vỏ ốc biển, sau đó người thợ sẽ cắt, mài và phân loại chúng theo màu sắc. Những mảnh xà cừ được chế tác tỉ mỉ, từ việc cưa vỏ ốc thành những hình dáng mong muốn cho đến việc gắn chúng lên bề mặt gỗ.
Một xưởng chuyên khảm xà cừ ở phường Sơn Qui, tỉnh Đồng Tháp.
Theo kinh nghiệm dân gian, những lớp xà cừ dày và có khả năng phản chiếu màu sắc phong phú sẽ có giá trị cao hơn. Chính sự tỉ mỉ và khéo léo trong từng công đoạn đã tạo nên những sản phẩm độc đáo, được ưa chuộng không chỉ trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài.
Qua đôi bàn tay khéo léo của những người thợ lành nghề, nhiều sản phẩm mỹ nghệ được khảm xà cừ tuyệt đẹp.
Tại phường Sơn Qui, có khoảng 500 cơ sở làm mộc và khảm xà cừ, trong đó nhiều hộ gia đình đã gắn bó với nghề này hàng chục năm.
Ông Nguyễn Đạt và ông Nguyễn Văn Đủ là những cái tên tiêu biểu, không chỉ nổi tiếng với tay nghề mà còn là những người truyền lửa cho thế hệ trẻ. Họ không chỉ dạy nghề mà còn khuyến khích con cháu tiếp tục gìn giữ nghề truyền thống, tạo ra những sản phẩm mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.
Anh Nguyễn Nam, một người thợ khảm xà cừ tại phường Sơn Qui cho biết, nghề này cũng lắm gian nan, đòi hỏi sự khéo léo, kiên trì và có năng khiếu.
Bởi các công đoạn khảm xà cừ như vẽ hình, cưa xà cừ, dán hình lên gỗ, đục hình, vô keo, dán xà cừ và cuối cùng là tách, tạo đường nét trên xà cừ không chỉ làm tăng giá trị mà còn làm nổi bật vẻ đẹp của sản phẩm.
Một trong những điểm đặc biệt của nghề khảm xà cừ là sự kết hợp giữa nghệ thuật và kỹ thuật. Các sản phẩm được tạo ra không chỉ đẹp mắt mà còn bền vững nhờ vào chất liệu gỗ tốt.
Các thợ khảm xà cừ có thể thực hiện 2 hình thức khảm: khảm chìm và khảm nổi. Mỗi hình thức đều có những yêu cầu kỹ thuật riêng, đòi hỏi sự khéo léo và sáng tạo của người thợ. Những sản phẩm khảm xà cừ thường mang chủ đề phong phú như Tứ quý, Tứ linh hay Mã đáo thành công, thể hiện sự tinh tế và ý nghĩa sâu sắc trong văn hóa dân gian.
Giữ hồn thủ công, vươn tầm quốc tế
Làng nghề khảm xà cừ Sơn Qui vẫn ngày ngày sáng đèn tạo nên những sản phẩm thủ công tinh xảo, góp phần gìn giữ bản sắc truyền thống và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Để bắt kịp xu thế và nâng cao năng suất, nhiều hộ gia đình ở Sơn Qui đã đầu tư vào máy móc hiện đại như máy laser. Điều này không chỉ giúp tăng nhanh sản lượng mà còn giảm thời gian và chi phí sản xuất, từ đó nâng cao lợi nhuận cho người dân.
Khảm xà cử chủ yếu được làm thủ công.
Tuy nhiên, sự kết hợp giữa công nghệ và thủ công vẫn được duy trì, bởi chính sự tỉ mỉ và tâm huyết của người thợ mới tạo nên giá trị thực sự cho sản phẩm.
Nghệ nhân Nguyễn Hữu Lộc, chủ một cơ sở sản xuất cho biết, nhờ đầu tư máy móc hiện đại, tiến độ hoàn thành đơn hàng được đẩy nhanh, đáp ứng kịp nhu cầu khách hàng. Tuy nhiên, khâu khảm vẫn được giữ nguyên tính thủ công để bảo toàn giá trị nghệ thuật.
"Mỗi mặt gỗ phải thể hiện được cái hồn của bức tranh. Nếu làm ẩu thì xà cừ dễ bong tróc, tranh mất đi sức sống", ông nói.
Chính sự tỉ mỉ, tinh xảo đó đã làm nên thương hiệu cho sản phẩm khảm xà cừ Sơn Qui. Những bức tranh long lanh, sắc sảo không chỉ chinh phục thị trường trong nước mà còn vươn ra thế giới, hiện diện tại nhiều quốc gia như Mỹ, Canada, Pháp, Anh, Hàn Quốc, Australia …
Các bộ tranh hay họa tiết thường theo chủ đề: phong cảnh, tứ quý, tứ linh, phong cảnh, thuận buồm xuôi gió, mã đáo thành công…
Để thúc đẩy làng nghề phát triển bền vững, ngành chức năng của tỉnh đang tích cực hỗ trợ mở rộng thị trường, cơ giới hóa các khâu sản xuất phù hợp, tổ chức đào tạo nghề nhằm nâng cao tay nghề. Đồng thời, định hướng quy hoạch vùng sản xuất tập trung gắn với bảo vệ môi trường cũng đang được triển khai.
Thông tin với Người Đưa Tin, đại diện UBND phường Sơn Qui cho biết, nghề khảm xà cừ không chỉ giúp người dân khấm khá mà còn tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho lao động địa phương. Nghề này đã trở thành một phần quan trọng trong việc nâng cao đời sống của người dân, giúp họ có thể tự lập và phát triển kinh tế gia đình.
Giữa dòng chảy hiện đại, làng nghề khảm xà cừ Sơn Qui vẫn âm thầm giữ lửa, thổi hồn vào từng sản phẩm, nơi nghệ thuật truyền thống không chỉ được lưu giữ mà còn vươn xa.
Thanh Lâm
Link nội dung: https://www.phunuvathoidaivn.com/kham-pha-tinh-hoa-kham-xa-cu-dat-phuong-nam-a135966.html