'Ôm' cả chục nguyện vọng liệu có phải lựa chọn sáng suốt?

Kỳ tuyển sinh đại học 2025 đang "nóng" hơn bao giờ hết, nhiều thí sinh chủ động đăng ký cả chục nguyện vọng nhằm tăng cơ hội trúng tuyển.

Theo quy định, thí sinh được đăng ký không hạn chế số lượng nguyện vọng vào nhiều ngành, nhiều trường khác nhau.

Phạm Châu Giang (Hà Nội) đạt hơn 22 điểm khối A00 (Toán, Lý, Hóa) đã đăng ký gần 20 nguyện vọng vào các ngành thuộc nhóm công nghệ kỹ thuật điện tử, kỹ thuật công nghiệp, cơ điện tử tại nhiều trường đại học như Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Công nghiệp Hà Nội, Học viện Kỹ thuật Quân sự.

Giang bộc bạch: "Điểm của em không quá cao, trong khi điểm chuẩn mỗi trường lại khác nhau, nên em quyết định đăng ký nhiều nguyện vọng để tối đa hóa cơ hội trúng tuyển. Trong ngày cuối, dự định sẽ tăng thêm số lượng nguyện vọng nếu cần thiết".

Đa dạng chiến lược từ thí sinh

Tương tự, Lê Bùi Hoàng (Phú Thọ) đã đăng ký 12 nguyện vọng vào các ngành kinh tế tại nhiều trường lớn như Đại học Kinh tế Quốc dân, Học viện Tài chính, Đại học Ngoại thương.

Nam sinh chia sẻ: "Mức lệ phí đăng ký nguyện vọng không quá cao, nên em đã tham khảo ý kiến của thầy cô và ba mẹ để đăng ký nhiều nguyện vọng nhằm tăng khả năng trúng tuyển vào ngành mình yêu thích".

Trong khi đó, Đỗ Thùy Linh (Ninh Bình) đạt 26 điểm tổ hợp khối B00 (Toán, Hóa, Sinh) đã đăng ký nguyện vọng 1 vào một trường Y Dược hàng đầu và bổ sung thêm nhiều nguyện vọng khác tại các trường như Đại học Y Dược Thái Bình, Đại học Y Dược Thái Nguyên, Đại học Y Dược Hải Phòng.

Linh cho biết: "Với điểm số này, em muốn chắc chắn có cơ hội vào được ngành Y Dược. Em sẽ bổ sung một nguyện vọng nữa tại một trường ở Huế để đảm bảo tối đa cơ hội trúng tuyển đại học".

Ngược lại với xu hướng "rải" rộng, Phan Minh Luân chỉ đăng ký 5 nguyện vọng. Luân chia sẻ: "Em phân vân giữa việc chọn trường 'hot' với điểm chuẩn cao hay ngành ít 'hot' hơn nhưng đúng sở thích. Cách sắp xếp thứ tự nguyện vọng cũng làm em bối rối".

Nam sinh đã đặt nguyện vọng 1 là ngành học em thực sự yêu thích, nguyện vọng 2 và 3 được chọn theo mức điểm an toàn hơn, còn nguyện vọng cuối cùng là nguyện vọng "chắc chắn trúng tuyển" để đảm bảo có một suất vào đại học.

Đặt nguyện vọng sao cho hiệu quả?

Theo quy định, thí sinh được đăng ký không hạn chế số lượng nguyện vọng vào nhiều ngành, nhiều trường khác nhau. Tuy nhiên, thí sinh phải sắp xếp các nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp. Đặc biệt, nếu đủ điều kiện trúng tuyển nhiều nguyện vọng, thí sinh chỉ được công nhận trúng tuyển và gọi nhập học theo nguyện vọng cao nhất. Quy định này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sắp xếp thứ tự nguyện vọng một cách chiến lược.

Thầy Nguyễn Thành Luân, giáo viên tiếng Anh, chuyên gia tư vấn tuyển sinh, đưa ra những lưu ý rất quan trọng để thí sinh tránh mắc sai lầm khi điền nguyện vọng.

Thầy Luân nhấn mạnh thứ tự nguyện vọng là thứ tự ưu tiên, không phải thứ tự "chắc chắn đậu". Các em đừng vì lo sợ trượt nguyện vọng 1 mà đẩy ngành mình thực sự yêu thích xuống dưới. Nguyện vọng 1 là cơ hội đầu tiên và tốt nhất để thể hiện sự lựa chọn của bản thân, bởi Bộ GD&ĐT sẽ xét nguyện vọng từ trên xuống.

Thầy Luân cũng khuyên thí sinh nên cân nhắc phổ điểm, nhưng đừng quá phụ thuộc vào điểm sàn. Điểm sàn chỉ là mức tối thiểu để nộp hồ sơ; quan trọng hơn là phổ điểm năm nay, độ cạnh tranh của ngành và năng lực của chính mình. So sánh điểm số với mặt bằng chung sẽ cho bức tranh rõ hơn về cơ hội đỗ.

Ngoài ra, chuyên gia cũng cảnh báo thí sinh đừng chọn ngành chỉ vì "trường đó nổi tiếng", bởi một môi trường tốt chưa chắc phù hợp nếu ngành học không đúng với sở thích hoặc định hướng lâu dài. Thí sinh sẽ học 4 năm và có thể gắn bó cả đời với ngành đó, không thể chỉ chọn vì cái tên.

Cuối cùng, thầy Luân lưu ý không cần "dự phòng quá nhiều": Chọn khoảng 5-7 nguyện vọng vừa sức và 2-3 nguyện vọng phòng hờ là đủ, việc điền 20 nguyện vọng mà không suy nghĩ kỹ thì cũng vô nghĩa và "tốn tiền".

"Nguyện vọng là tấm vé đầu tiên đưa các em đến bến đỗ sau 12 năm học, đừng điền cho xong, hãy điền cho xứng đáng với công sức mình đã bỏ ra và quyết định con người mình sẽ trở thành trong nhiều năm tới".

Cùng quan điểm, cô Nguyễn Thị Kim Dung, giáo viên dạy Toán cấp THPT, khuyên thí sinh cần đối chiếu điểm thi của mình với điểm chuẩn của các năm trước. Cô gợi ý chiến lược chia nguyện vọng thành ba nhóm hợp lý. Đó là nhóm nguyện vọng khó, ít khả năng trúng tuyển nhưng là ngành học yêu thích nhất; nhóm nguyện vọng vừa sức, có khả năng trúng tuyển cao; và nhóm nguyện vọng an toàn, chắc chắn trúng tuyển nếu các nhóm trên không đạt.

Thí sinh cần ghi nhớ các mốc thời gian quan trọng sau để hoàn thành quá trình đăng ký xét tuyển đại học một cách suôn sẻ:

• Đến 17h ngày 28/7: Thí sinh đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học.

• Ngày 29/7 đến 17h ngày 5/8: Thí sinh nộp lệ phí đăng ký xét tuyển (trực tuyến).

• Ngày 16 đến 20/8: Bộ GD&ĐT xử lý nguyện vọng xét tuyển.

• Trước 17h30 ngày 30/8: Thí sinh hoàn thành xác nhận nhập học trên hệ thống.

• Từ ngày 1/9 đến tháng 12: Xét tuyển bổ sung.

Link nội dung: https://www.phunuvathoidaivn.com/om-ca-chuc-nguyen-vong-lieu-co-phai-lua-chon-sang-suot-a136482.html