Đại tràng (ruột già) là nơi tiếp nhận phần chất thải còn lại từ ruột non, hấp thu nước và điện giải trước khi đẩy ra ngoài. ThS.BS Nguyễn Anh Duy Tùng, Trung tâm Dinh dưỡng Nutrihome, cho biết chế độ ăn hợp lý giúp giảm nguy cơ phát triển polyp và ung thư đại trực tràng.
Chất xơ từ rau củ, trái cây và ngũ cốc nguyên cám
Chất xơ hòa tan là nguồn dinh dưỡng cho lợi khuẩn đường ruột, giúp lên men tạo ra butyrate - loại axit béo có khả năng bảo vệ lớp niêm mạc đại tràng, giảm nguy cơ viêm mạn tính, ung thư. Khi vào ruột, chất xơ không bị tiêu hóa mà sẽ hút nước, làm mềm phân, tăng khối lượng phân và rút ngắn thời gian di chuyển trong ruột. Điều này giúp giảm táo bón - nguyên nhân phổ biến dẫn đến bệnh trĩ, viêm túi thừa đại tràng.
Bác sĩ Tùng khuyên mọi người ưu tiên rau xanh như rau dền, mồng tơi, rau lang..., các loại củ quả chẳng hạn bí đỏ, cà rốt, bông cải, các loại đậu, hạt nguyên vỏ và gạo lứt vào bữa ăn hằng ngày.

Sữa chua kết hợp yến mạch và hạt chia bổ sung lợi khuẩn cùng chất xơ, giúp đại tràng khỏe mạnh. Ảnh: Phượng Thy
Thực phẩm lên men
Các thực phẩm chứa men sống (probiotics) như sữa chua, kefir, kim chi, dưa cải muối tự nhiên... cung cấp lợi khuẩn như lactobacillus và bifidobacterium cho hệ tiêu hóa. Lợi khuẩn từ thực phẩm lên men giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột, từ đó cải thiện triệu chứng rối loạn tiêu hóa như đầy hơi, tiêu chảy, hội chứng ruột kích thích và tăng sức đề kháng tại niêm mạc ruột. Tuy nhiên, mọi người cần tránh các loại dưa muối, kim chi công nghiệp có nồng độ muối hoặc chất bảo quản cao.
Các loại cá béo
Ăn các loại cá béo như cá hồi, cá thu, cá trích, cá ngừ... tốt cho đại tràng nhờ chứa omega-3 - loại axit béo có đặc tính chống viêm mạnh mẽ. Omega-3 giúp giảm viêm ở niêm mạc đại tràng, bảo vệ đường tiêu hóa khỏi các tác nhân gây hại. Chất dinh dưỡng này còn hỗ trợ sức khỏe của hệ vi sinh vật đường ruột, tăng cường miễn dịch, duy trì tính toàn vẹn của thành ruột, cải thiện quá trình tiêu hóa.
Uống đủ nước
Thiếu nước khiến phân khô, khó di chuyển, dễ gây táo bón và gia tăng áp lực trong lòng đại tràng. Bác sĩ Duy Tùng khuyến nghị người lớn nên uống 1,5-2,5 lít nước mỗi ngày tùy mức độ hoạt động, cung cấp thêm nước qua canh, nước ép rau củ, nước trái cây không đường.
Mỗi người nên giảm ăn thịt đỏ, các thực phẩm chế biến sẵn như xúc xích, thịt xông khói, thức ăn nhiều dầu mỡ, chiên rán, đồ ăn nhanh, nước ngọt, mì gói... bởi dễ gây mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột, làm tăng tình trạng viêm mạn tính và rối loạn tiêu hóa. Ăn uống đúng giữa, nhai kỹ, tránh bỏ bữa và không lạm dụng thuốc kháng sinh để giữ môi trường vi sinh đường ruột ổn định, giúp đại tràng vận hành trơn tru.
Người có bệnh về đường tiêu hóa hay khi có các dấu hiệu bất thường như táo bón kéo dài, đau bụng, rối loạn tiêu hóa, tiêu ra máu nên đi khám sớm tại chuyên khoa tiêu hóa.
Phượng Thy
Độc giả đặt câu hỏi về dinh dưỡng tại đây để bác sĩ giải đáp |