Nếu như nhìn vào những bức ảnh trong quá khứ, có lẽ chúng ta sẽ bắt gặp những hình ảnh về các chuyến bay mà hành khách ngồi ung dung trên những chiếc ghế bành bọc nhung, dùng dao nĩa bạc thật để thưởng thức bữa ăn nóng hổi, nhâm nhi rượu vang hay thậm chí rít vài hơi thuốc ngay trên máy bay.
Nhưng khung cảnh đó đã thay đổi sau sự kiện chấn động thế giới ngày 11/9/2001, khi khủng bố nhằm vào Trung tâm Thương mại Thế giới tại New York khiến toàn bộ ngành hàng không toàn cầu bước sang một kỷ nguyên mới: kỷ nguyên của sự giám sát, kiểm tra và cảnh giác cực độ.

Kể từ sau sự kiện bi thảm ấy, hàng loạt quy định mới đã được áp dụng, không chỉ ở Mỹ mà còn lan rộng khắp các sân bay trên thế giới. Những thay đổi dần dà trở thành thói quen bất đắc dĩ với hành khách: từ việc đựng chất lỏng trong chai không quá 100 ml, cho đến việc phải cởi giày, tháo thắt lưng, bỏ laptop ra khỏi balo hay xếp từng món đồ vào các khay nhựa.
Nhưng trong số tất cả những bước kiểm tra khiến người ta ngán ngẩm, máy quét cơ thể vẫn là thứ khiến nhiều người cảm thấy "tò mò" nhất. Với biệt danh không chính thức là “máy lột đồ kỹ thuật số”, chúng nhanh chóng trở thành tâm điểm của các cuộc tranh luận về quyền riêng tư và sự xâm phạm thân thể.
Nhiều người từng tưởng tượng rằng, những máy móc này cho phép nhân viên an ninh TSA (Cục An ninh Vận tải Hoa Kỳ) nhìn thấy chính xác hình thể khỏa thân của hành khách, từng đường cong, nếp gấp cơ thể, thậm chí là... bộ phận sinh dục.
Lo ngại ấy khiến không ít người e dè, ái ngại khi phải giang tay, dang chân giữa sân bay đông đúc, như thể đang bước vào một căn phòng chụp hình toàn thân cho mục đích chẳng mấy dễ chịu. Nhưng thực tế có đúng như vậy không?

Câu trả lời là không. Máy quét cơ thể tại sân bay hiện đại không phải là công cụ để "soi" từng centimet da thịt bạn. Chúng không tiết lộ vết rạn da, không phát hiện mỡ thừa quanh eo, càng không "vẽ" lại hình ảnh nhạy cảm như nhiều người lầm tưởng.
Thay vào đó, máy hoạt động dựa trên nguyên lý hoàn toàn khác với những gì bạn thấy trong phim ảnh. Cụ thể, chúng sử dụng sóng vô tuyến tần số thấp chứ không phải tia X để phát hiện vật thể lạ.
Những sóng này có thể xuyên qua quần áo, nhưng bị phản xạ lại bởi da người hoặc các vật thể bằng kim loại, chất dẻo hoặc hữu cơ. Nhờ đó, nếu ai đó giấu một vật thể khả nghi như vũ khí, ma túy, hoặc thiết bị điện tử tinh vi trên cơ thể, máy sẽ phát hiện và đánh dấu vị trí đó trên hình ảnh minh họa cơ thể.
Một điểm đáng chú ý là mức độ bức xạ mà máy quét cơ thể tạo ra là cực kỳ thấp, chỉ vào khoảng 0,1 microsievert mỗi lần quét, tức là thấp hơn tới 1.000 lần so với một lần chụp X-quang thông thường.
Nghĩa là, nếu bạn từng chụp X-quang răng hay phổi, lượng phóng xạ bạn nhận vào người khi đó gấp nhiều lần so với khi đi qua máy quét TSA. Thậm chí, mức bức xạ này còn thấp hơn cả việc bạn ngồi trên máy bay vài giờ đồng hồ, nơi mà độ cao khiến bạn tiếp xúc với bức xạ vũ trụ tự nhiên.

Để dễ hình dung hơn, máy quét cơ thể không thực sự "chụp" bạn như cách máy ảnh ghi lại hình ảnh. Thay vào đó, nó tạo ra một hình bóng trừu tượng dạng người trên màn hình, và nếu có vật thể lạ nằm ở đâu đó, khu vực đó sẽ hiện lên một ô vuông màu vàng.
Lúc này, nhân viên an ninh sẽ kiểm tra bằng tay hoặc dùng máy quét cầm tay để xác minh. Và không, họ hoàn toàn không thấy bạn “khỏa thân” hay phát hiện ra vùng lông mọc lệch hay mụn trứng cá đâu. Tất cả đều rất chung chung và phi cá nhân hóa.
Dĩ nhiên, vẫn có những người lo ngại. Từ khi máy quét cơ thể được đưa vào sử dụng đầu thập niên 2010, các tranh cãi về quyền riêng tư đã nổ ra dữ dội. Nhiều tổ chức dân sự lo sợ rằng hình ảnh ghi nhận bởi máy có thể bị lưu trữ, chia sẻ hoặc thậm chí rò rỉ ra ngoài.
Trên thực tế, những lo ngại này không hoàn toàn vô căn cứ, bởi từng có trường hợp máy ảnh tại một số sân bay cũ lưu giữ hình ảnh chi tiết và bị nhân viên an ninh lạm dụng.
Tuy nhiên, trong các máy quét hiện đại ngày nay, hình ảnh đều được tự động xóa sau mỗi lần quét và không có cơ chế ghi lại bất kỳ dữ liệu cá nhân nào. Hơn nữa, phần lớn hệ thống đã được nâng cấp để sử dụng phần mềm phân tích tự động, loại bỏ yếu tố con người trong việc đánh giá hình ảnh, một bước tiến đáng kể nhằm giảm thiểu lo ngại về quyền riêng tư.
Mặt khác, với nhu cầu đi lại ngày càng tăng, việc xếp hàng dài chờ kiểm tra an ninh luôn là cơn ác mộng với nhiều người. Vì vậy, các công nghệ mới đã được nghiên cứu và ứng dụng để tăng tốc độ kiểm tra.
Chẳng hạn, hệ thống Evolv Technology hiện có thể quét tới 600 người mỗi giờ, tương đương một người chỉ mất 6 giây để hoàn thành thủ tục. Những cải tiến như vậy không chỉ giúp hành khách rút ngắn thời gian chờ đợi mà còn giữ vững mục tiêu hàng đầu: đảm bảo an toàn tuyệt đối cho mỗi chuyến bay.

Vì vậy, lần tới nếu bạn bước vào chiếc buồng nhỏ với cửa trượt tự động ấy, đừng căng thẳng hay cảm thấy bị “xâm phạm”. Máy không soi mói bạn, cũng không đánh giá bạn. Nó chỉ đơn giản làm công việc của mình: giữ bạn, và tất cả mọi người xung quanh, an toàn trong hành trình giữa bầu trời. Và như thế, dù có chút bất tiện, những cỗ máy này vẫn là lớp khiên thầm lặng bảo vệ hàng triệu con người mỗi ngày.