Chạm vào ký ức chiến tranh qua những câu chuyện chưa kể

Admin

Những câu chuyện không chỉ khắc họa ký ức chiến tranh mà còn tôn vinh nghị lực phi thường của những người lính năm xưa. Tất cả cùng hòa thành bản giao hưởng của lòng biết ơn, của khát vọng sống và cống hiến.

Hồ sơ liệt sĩ trở về sau gần 60 năm biệt tin

Ngày 26/7, chương trình giao lưu và ký kết chăm sóc sức khỏe thương binh, bệnh binh với chủ đề "Tri ân người lính - Chăm sóc hôm nay, vững bước tương lai" đã để lại nhiều cảm xúc sâu sắc thông qua những câu chuyện rất thật.

Chương trình được tổ chức nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2025). 

Đây là hoạt động thiết thực nhằm tri ân người có công với cách mạng, lan tỏa tinh thần "uống nước nhớ nguồn" và trách nhiệm cộng đồng trong công tác chăm sóc sức khỏe, góp phần xây dựng xã hội nhân văn nghĩa tình.

Chạm vào ký ức chiến tranh qua những câu chuyện chưa kể- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Công Trung, Cựu chiến binh, Chủ tịch CLB Trái Tim Người lính Phương Nam phát biểu tại chương trình.

Phát biểu tại chương trình, cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Công Trung, Chủ tịch CLB Trái Tim Người lính Phương Nam, khẳng định hòa bình hôm nay được đánh đổi từ sinh mạng, xương cốt của các anh hùng liệt sĩ và bao lớp ông cha.

Chạm vào ký ức chiến tranh qua những câu chuyện chưa kể- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Công Trung, Cựu chiến binh, Chủ tịch CLB Trái Tim Người lính Phương Nam trao di ảnh nhà hoạt động cách mạng Nguyễn Văn Kiền cho gia đình.

Ông chia sẻ: “Cuộc đời người lính chỉ đơn giản một điều là hướng nòng súng về quân thù, chiến đấu vì hòa bình, vì Tổ quốc, vì Nhân dân mà quên cả mạng sống nhỏ nhoi riêng mình".

Những ký ức gian lao thời chiến, những câu chuyện hy sinh thầm lặng đã được tái hiện chân thực và đầy xúc động trong phần giao lưu, góp phần hun đúc tinh thần yêu nước và truyền thống “uống nước nhớ nguồn”.

Chạm vào ký ức chiến tranh qua những câu chuyện chưa kể- Ảnh 3.

Ông Nguyễn Công Trung, Chủ tịch CLB Trái Tim Người lính Phương Nam trao di ảnh Thiếu tướng Nguyễn Văn Biền, Nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 3 cho Đại tá Nguyễn Văn Chi là em ruột của Thiếu tướng.

Chạm vào ký ức chiến tranh qua những câu chuyện chưa kể- Ảnh 4.

Sau hòa bình, những người lính năm ấy mang trên mình đầy vết thương do chiến tranh để lại.

Điểm nhấn đặc biệt trong chương trình là phần trao trả hồ sơ chiến tranh của liệt sĩ Trần Văn Riểu, một chiến sĩ từng chiến đấu tại chiến trường Bình Định trong và sau Tết Mậu Thân.

Bộ hồ sơ mang mã số F034604500542, gồm hai cuốn sổ tay ghi chép tay từ ngày 28/12/1965 đến ngày 18/9/1968, chứa đựng nhiều thông tin quý giá: tiểu sử cá nhân, các nhiệm vụ quân sự, báo cáo quân số đơn vị, danh sách cán bộ chính trị, hướng dẫn huấn luyện, kiểm kê vũ khí...

Chạm vào ký ức chiến tranh qua những câu chuyện chưa kể- Ảnh 5.
Chạm vào ký ức chiến tranh qua những câu chuyện chưa kể- Ảnh 6.

Hồ sơ chiến tranh của liệt sĩ Trần Văn Riểu được trao trả cho gia đình.

Liệt sĩ Trần Văn Riểu sinh năm 1942 tại làng Đồng Nhân, xã Thái Thành, Thái Ninh, Thái Bình (nay là tỉnh Hưng Yên). 

Ông gia nhập Quân đội Nhân dân Việt Nam từ tháng 2/1961, từng tạm thời giải ngũ vào năm 1963, sau đó tái ngũ vào năm 1966, phục vụ trong nhiều đơn vị từ miền Bắc đến chiến trường Quảng Ngãi, Bình Định. 

Ông mất liên lạc từ cuối năm 1968, để lại vợ là bà Lê Thị Dâu, con trai Trần Văn Khảm (đã mất) và con gái Trần Thị Dung hiện cư trú tại Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai).

Chạm vào ký ức chiến tranh qua những câu chuyện chưa kể- Ảnh 7.

Bà Trần Thị Dung, con gái của liệt sĩ Trần Văn Riểu xúc động nhận lại kỷ vật của cha sau gần 60 năm.

Trong khoảnh khắc xúc động khi nhận lại kỷ vật của cha sau gần 60 năm, bà Trần Thị Dung chia sẻ: “Tôi xin được bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III và đặc biệt là Câu lạc bộ Trái tim Người lính Phương Nam Sài Gòn đã kết nối, lan tỏa, đưa kỷ vật của các liệt sĩ về với gia đình. Cũng như làm rạng danh tên tuổi của các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh nhưng vẫn còn sống mãi với non sông Việt Nam của chúng ta".

Người lính vẽ nằm, quyết không đầu hàng số phận

Tiếp nối không khí tri ân, thương binh - họa sĩ Nguyễn Văn Việt, người giữ Kỷ lục Guinness Việt Nam với danh hiệu "họa sĩ vẽ nằm", đã kể lại hành trình vượt lên nghịch cảnh khiến cả hội trường xúc động.

Ông xúc động chia sẻ, ở tuổi 17, ông xung phong ra chiến trường biên giới Tây Nam, rồi sang làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia. Một vụ pháo kích khiến ông bị thương nặng ở cột sống, không còn khả năng đi lại. 

Trong những năm tháng đen tối đó, ông đã đưa ra một quyết định có vẻ "điên rồ": "Nếu không thể ngồi, tôi sẽ vẽ nằm".

Chạm vào ký ức chiến tranh qua những câu chuyện chưa kể- Ảnh 8.

Thương binh - họa sĩ, Kỷ lục Guinness Nguyễn Văn Việt chia sẻ câu chuyện của bản thân đầy xúc động tại chương trình.

Và ông đã làm thật. Từ đôi tay của một người lính nằm bất động, Nguyễn Văn Việt đã tạo ra hàng trăm tác phẩm hội họa đặc sắc. 

Những bức tranh ấy không chỉ được công nhận bởi nghệ thuật, mà còn mang đi đấu giá, quyên góp hàng trăm ngàn USD cho các chương trình thiện nguyện từ hỗ trợ người vô gia cư ở Ấn Độ đến giúp trẻ em nghèo ở Biển Hồ Campuchia và vùng dịch COVID-19 tại Việt Nam.

“Tôi chọn sống để cống hiến. Tàn nhưng không phế. Họa cụ là vũ khí của tôi trong thời bình", họa sĩ Nguyễn Văn Việt nói.

Chạm vào ký ức chiến tranh qua những câu chuyện chưa kể- Ảnh 9.

Toàn thể cựu chiến binh, thương binh, bệnh binh cùng các lãnh đạo, đại biểu chụp ảnh lưu niệm.

Cũng tại chương trình, đại diện CLB Trái tim Người lính Phương Nam và Hệ thống Bệnh viện Sài Gòn ITO đã ký kết thỏa thuận hợp tác chăm sóc sức khỏe dài hạn cho thương binh, bệnh binh và người có công. Đại diện bệnh viện, ông Phạm Thế Đồng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị khẳng định: “Chúng tôi không chỉ muốn khám chữa bệnh, mà muốn chữa lành bằng lòng biết ơn. Chăm sóc sức khỏe cho người có công là trách nhiệm lịch sử.”

Hàng chục thương, bệnh binh đã được trao tặng phiếu khám bệnh, quà tặng cùng nhiều phần hỗ trợ ý nghĩa. Đặc biệt, Công ty Fujiwa Việt Nam đã ủng hộ 100 triệu đồng cho hai công trình "Nghĩa tình đồng đội" tại Quảng Trị và tài trợ toàn bộ nước uống cho sự kiện

Chạm vào ký ức chiến tranh qua những câu chuyện chưa kể- Ảnh 10.Uống nước nhớ nguồn

Nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2025), Tổng Bí thư Tô Lâm có bài viết với tựa đề "Uống nước nhớ nguồn". Tạp chí Người Đưa Tin trân trọng giới thiệu với độc giả toàn văn bài viết của Tổng Bí thư.