Dấu chân lịch sử giữa rừng già

Admin

Giữa những cánh rừng xanh thẳm thuộc huyện Vĩnh Cửu (tỉnh Đồng Nai), nơi di tích Chiến khu Đ lặng lẽ kể lại câu chuyện về thời lửa đạn oai hùng, biểu tượng của một thời kháng chiến kiên cường, tinh thần “Miền Đông gian lao mà anh dũng” đã khắc sâu trong tâm thức dân tộc.

Hình thành từ khát vọng độc lập

Những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi trở lại Chiến khu Đ. Chặng hành trình gần 20km từ trung tâm huyện Vĩnh Cửu đến khu bảo tồn là một trải nghiệm khó quên. Con đường đất đỏ giữa rừng già, bóng cây rợp mát, tiếng chim hót ríu ran, như đang đưa từng bước chân quay về với lịch sử.

Những bảng chỉ dẫn bên đường "Khu Căn cứ Bộ Chỉ huy Miền", "Địa đạo Chiến khu Đ", "Khu vực cấm săn bắn"… không chỉ dẫn đường, mà như những lời thì thầm từ quá khứ, nhắc nhở rằng ta đang đứng trên mảnh đất linh thiêng, nơi từng là nỗi kinh hoàng của quân thù.

Dấu chân lịch sử giữa rừng già- Ảnh 1.

Toàn cảnh khu địa đạo tại di tích lịch sử Chiến khu Đ.

Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là khu trưng bày di tích. Những hiện vật còn nguyên vẹn, khẩu súng trường cũ, chiếc nón lá sờn vai, lặng lẽ kể lại những câu chuyện về người chiến sĩ năm xưa. Chúng tôi tiến sâu vào hệ thống địa đạo "mạng lưới thần kinh" của chiến khu thời ấy.

Những đường hầm âm sâu dưới lòng đất uốn lượn như mê cung. Trong không gian mát lạnh, âm u và ẩm ướt, khó ai có thể tưởng tượng nổi nơi đây từng là nơi hội họp, làm việc, chữa thương và trú ẩn của hàng trăm con người. Mỗi bước chân trong lòng đất là một lần tim thắt lại cảm phục trước ý chí thép, tinh thần quả cảm của quân dân miền Đông năm xưa.

Chuyến đi tiếp tục dẫn chúng tôi qua những điểm dừng khác: Phòng họp, Nhà làm việc, nhà bếp Hoàng Cầm, hố Bom B52, các lối tản cư khẩn cấp… Tất cả đều được phục dựng chân thực dựa trên tư liệu lịch sử và lời kể của các nhân chứng sống.

Dấu chân lịch sử giữa rừng già- Ảnh 2.

Bia giới thiệu căn cứ Khu uỷ miền Đông Nam bộ (1961 – 1975).

Những gốc cây đại thụ vươn cao giữa rừng, những lối mòn phủ đầy lá khô, những cánh bướm rừng chấp chới bay. Tất cả tạo nên một khung cảnh vừa nên thơ, vừa thiêng liêng như ôm ấp, bảo vệ cho ký ức chiến tranh.

Chiến khu Đ - cái tên ấy cũng mang trong mình nhiều câu chuyện. Có người bảo "Đ" là viết tắt của "Đất Cuốc" nơi đầu tiên tướng Huỳnh Văn Nghệ lập cứ địa kháng chiến chống Pháp. Có người lại bảo đó là mật danh trong hệ thống căn cứ được mã hóa A, B, C,... Cũng có người cho rằng "Đ" là "Đỏ" tượng trưng cho màu máu cách mạng hay đơn giản là chữ cái đầu của "Đồng Nai". Dù theo cách hiểu nào, cái tên ấy vẫn gợi nhắc về một vùng đất thiêng liêng nơi bắt đầu, nơi tụ hội và là bàn đạp cho những bước ngoặt cách mạng trọng yếu.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hà, Giám đốc Trung tâm Sinh thái - Văn hóa - Lịch sử Chiến khu Đ, cho biết, ngay từ tháng 12/1945, Trung ương Đảng đã xác định tầm quan trọng của việc xây dựng các căn cứ địa kháng chiến tại Nam bộ và Chiến khu Đ nhanh chóng được chọn làm trung tâm.

Tháng 2/1946, sau Hội nghị Cán bộ Quân sự tại Đào Lạc An (Tân Uyên), căn cứ được hình thành trên địa bàn Biên Hòa. Vị trí hiểm yếu, rừng núi hiểm trở, gần Tp.HCM, giáp Campuchia, nối liền Tây Nguyên tất cả biến nơi đây thành trung tâm chiến lược của Chiến khu 7.

Giai đoạn 1947 – 1950, Chiến khu Đ trở thành nơi tập kết quân lương, huấn luyện lực lượng, tổ chức đánh địch. Hai đơn vị chủ lực Liên trung đoàn 301-310 và Tiểu đoàn 303 – ra đời tại đây, đóng vai trò then chốt trong cuộc kháng chiến chống Pháp.

Dấu chân lịch sử giữa rừng già- Ảnh 3.

Chiến khu Đ nằm giữa những cánh rừng xanh thẳm thuộc huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai.

Dẫu trải qua thiên tai khắc nghiệt như cơn bão năm Nhâm Thìn 1952 hay những trận càn quét khốc liệt của địch, Chiến khu Đ vẫn trụ vững như thành đồng, tiếp tục nuôi dưỡng và lan tỏa phong trào kháng chiến.

Đến những năm 1960, khi Mỹ bắt đầu can thiệp sâu vào miền Nam, Chiến khu Đ một lần nữa trở thành căn cứ địa trọng yếu. Năm 1961, Trung ương Cục miền Nam đặt trụ sở tại đây.

Từ rừng rậm Chiến khu Đ, các đơn vị vũ trang đầu tiên của miền Đông được thành lập, làm nòng cốt cho lực lượng chủ lực Miền sau này. Khu căn cứ này còn giữ vai trò như một "trạm trung chuyển" huyết mạch, tiếp nhận cán bộ, vũ khí, hàng hóa từ miền Bắc qua đường Trường Sơn, phục vụ chiến trường miền Đông và các vùng lân cận.

Từ nơi đây, nhiều trận đánh lịch sử đã được phát động: La Ngà, cầu Bà Kiên, Phước Long, Xuân Lộc… và đặc biệt là chiến dịch Hồ Chí Minh trận quyết chiến cuối cùng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Không phải ngẫu nhiên mà kẻ thù từng thốt lên: "Chiến khu Đ còn, Sài Gòn (Tp.HCM nay) mất". Chỉ cách trung tâm Tp.HCM chưa đầy 30km đường chim bay, Chiến khu Đ là cơn ác mộng thường trực của địch, là biểu tượng không thể khuất phục của cách mạng miền Nam.

Bảo tồn giá trị, phát triển bền vững

Bước ra từ khói lửa chiến tranh, Chiến khu Đ hôm nay đang "thay da đổi thịt" trong vai trò mới là nơi bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử và phát triển du lịch bền vững. Ông Nguyễn Văn Hà, Giám đốc Trung tâm Sinh thái - Văn hóa - Lịch sử Chiến khu Đ thông tin với chúng tôi, song song với việc gìn giữ hệ sinh thái rừng, Trung tâm đẩy mạnh các hoạt động về nguồn, du lịch sinh thái, giáo dục truyền thống cách mạng và nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường.

Ông Nguyễn Văn Hà cho hay, những năm qua, Trung tâm tổ chức nhiều hoạt động thiết thực: Hội thi tìm hiểu giá trị lịch sử, các chương trình trải nghiệm thực tế dành cho học sinh – sinh viên. Qua những chuyến đi ấy, các em được nghe kể chuyện lịch sử, được sống lại không khí chiến khu, từ đó viết nên những trang cảm xúc đầy tự hào, thậm chí tạo ra các sản phẩm tái chế thành đồ lưu niệm mang giá trị nhân văn sâu sắc.

Dấu chân lịch sử giữa rừng già- Ảnh 4.

Khu vực được mô phỏng lại phòng họp của các chiến sĩ Chiến khu Đ.

Nhờ nỗ lực không ngừng nghỉ, lượng du khách đến Chiến khu Đ tăng trưởng ấn tượng. Nếu năm 2017 chỉ có khoảng 23.000 lượt, thì đến năm 2024, con số này đã vượt mốc 55.000 – tăng 139,1%. Đây không chỉ là chỉ số của phát triển du lịch, mà là minh chứng cho sức sống bền bỉ của một "bảo tàng sống" giữa đại ngàn.

Mỗi lần trở lại Chiến khu Đ là một lần trở về với cội nguồn. Ôn lại truyền thống hào hùng nơi thắp sáng lại niềm tự hào dân tộc, là nguồn cảm hứng cho thế hệ trẻ tiếp tục vươn lên trong học tập, sáng tạo, bảo vệ thành quả cách mạng. Mỗi lần đặt chân đến nơi đây là một lần lòng ta được hun đúc thêm ý chí kiên cường, thấy rõ hơn trách nhiệm dựng xây và giữ gìn đất nước.

Chiến khu Đ, từ một căn cứ địa chiến lược, đã trở thành biểu tượng sống động của cách mạng Việt Nam. Hào khí từ rừng già năm xưa vẫn còn âm vang, truyền lại cho thế hệ hôm nay một khát vọng vươn cao, một lời thề quyết không để đất nước một lần nữa chìm trong khói lửa.

Đoàn Vũ

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam chăng dây bảo vệ hiện vậtBảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam chăng dây bảo vệ hiện vật