“Dạy trẻ về AI không cần chờ tới lớp 9 mà có thể dạy ngay từ lớp 1”

Admin

Thúc đẩy phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) một cách có đạo đức và bền vững.

Chứng kiến tốc độ phát triển của ngành công nghệ và sự lan tỏa của trí tuệ nhân tạo (AI) trong công việc cũng như trong đời sống hàng ngày, có thể khẳng định chắc chắn AI không phải cơn sốt nhất thời, nó sẽ trở thành một phần tất yếu của cuộc sống hiện đại. 

Nhưng khác với những cuộc cách mạng mà các công cụ tiền nhiệm từng tạo ra, AI đang đặt cho nhân loại những thách thức chưa từng có về triết lý, công bằng và đạo đức. Những vấn đề này tuy mới nhưng đều phải sớm giải quyết, để nhân loại đảm bảo tiến trình vươn mình bằng AI diễn ra suôn sẻ.

Trong bối cảnh đó, người dùng AI cũng như các công ty công nghệ hướng sự chú ý về những người có ảnh hưởng trong lĩnh vực AI, mong muốn nghe được một câu trả lời. Ông Đào Trung Thành, hiện đang giữ chức Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ nhân tạo (ABAII), là một người như vậy.

Nhân dịp Viện ABAII công bố về khóa học Đạo đức AI mà ông là người lãnh đạo dự án phối hợp với Đại sứ quán Hoa Kỳ, chương trình đầu tiên về đề tài nóng hổi này tại Việt Nam, chúng tôi đã trực tiếp liên hệ với ông để phỏng vấn, tìm hiểu thêm về nội dung được nhiều người cho là cần phải bàn luận kỹ này.

AI có thể thay thế những công việc gì trong 5-10 năm tới ở Việt Nam? Làm thế nào để người lao động phổ thông không bị tụt lại trong thời đại AI?

Trong vòng 5-10 năm tới, AI có thể thay thế hoặc tái định hình mạnh mẽ các công việc mang tính lặp đi lặp lại, dễ tiêu chuẩn hóa và không đòi hỏi sự tương tác cảm xúc sâu sắc.

Tuy nhiên, điều quan trọng không chỉ là những công việc nào sẽ "mất", mà là cách chúng ta chuẩn bị để "thay đổi", tức là chuyển đổi kỹ năng, vai trò và cách tiếp cận công việc. Với người lao động phổ thông, nguy cơ bị tụt lại là có thật, nếu không có chính sách hỗ trợ kịp thời về đào tạo lại kỹ năng (reskilling) và đào tạo nâng cao (upskilling).

Chúng ta cần một hệ sinh thái học tập suốt đời để người lao động được tiếp cận với các kỹ năng mới, như sử dụng công cụ AI hỗ trợ công việc, hiểu quy trình số hóa, và quan trọng nhất là nâng cao kỹ năng giao tiếp, phán đoán và giải quyết vấn đề, những điều mà AI khó có thể thay thế.

Về phía chính sách, Việt Nam cần đầu tư mạnh mẽ hơn vào giáo dục nghề nghiệp, phát triển các trung tâm đào tạo chuyển đổi số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, và khuyến khích các doanh nghiệp tích hợp AI một cách có trách nhiệm, đặt yếu tố con người làm trung tâm.

Khái niệm “chuyển đổi số nhân bản” không phải là khẩu hiệu  mà là một nguyên tắc đạo đức AI phải phục vụ con người, không loại bỏ họ một cách tàn nhẫn.

Người trẻ nên chuẩn bị kỹ năng gì để không bị AI “soán ngôi”?

AI không “soán ngôi” người trẻ,  trừ khi chính chúng ta rời bỏ vị trí của mình. Điều quan trọng là người trẻ cần xác định lại giá trị cốt lõi của mình trong một thế giới mà máy móc ngày càng thông minh hơn, nhanh hơn và rẻ hơn.

Một là, không thể thiếu là khả năng học suốt đời. Những người giỏi nhất trong thời đại AI không phải là người biết hết mọi thứ mà là người biết học cái mới một cách hiệu quả, biết hỏi đúng để AI hỗ trợ, và biết đặt câu hỏi phản biện thay vì chỉ tìm câu trả lời có sẵn.

Hai là, tư duy phản biện (critical thinking) và đạo đức AI (AI ethics) sẽ là lợi thế cạnh tranh bền vững. Khi AI có thể viết, vẽ, phân tích  thì người trẻ cần là người hiểu tại sao nên viết thế này, vẽ thế kia, và đâu là giới hạn đạo đức mà công nghệ không nên vượt qua.

Ba là, người trẻ nên tập trung vào những kỹ năng mang tính con người sâu sắc như sáng tạo, giao tiếp liên văn hóa, làm việc nhóm, đàm phán, thuyết phục, và đặc biệt là tính linh hoạt cảm xúc (emotional agility), thứ mà AI vẫn còn rất xa mới mô phỏng được.

“Dạy trẻ về AI không cần chờ tới lớp 9 mà có thể dạy ngay từ lớp 1”- Ảnh 1.

Việc doanh nghiệp dùng AI để theo dõi hiệu suất nhân viên có hợp lý về mặt đạo đức không?

Đây là một câu hỏi không thể trả lời bằng “có” hay “không”, mà phải dựa vào các nguyên tắc đạo đức nền tảng của việc ứng dụng AI trong tổ chức.

Trong khóa học Đạo đức AI, chúng tôi nhấn mạnh rằng mọi hệ thống AI - đặc biệt là hệ thống liên quan đến con người trong môi trường làm việc, cần tuân thủ ít nhất 4 nguyên tắc đạo đức cốt lõi trong những nguyên tắc mà chúng tôi giới thiệu trong khóa học:

1. Công bằng và chống thiên lệch (Fairness & Non-discrimination)

AI không nên đánh giá nhân viên dựa trên dữ liệu thiếu khách quan, hoặc thiên lệch theo giới, độ tuổi, khuôn mặt, thói quen cá nhân... 

Việc chấm điểm hiệu suất cần được kiểm toán định kỳ để tránh biến AI thành công cụ củng cố định kiến.

2. Quyền riêng tư và dữ liệu (Privacy & Data Governance) 

Theo AI Bill of Rights của Nhà Trắng, mọi hệ thống giám sát bằng AI cần minh bạch và được sự đồng thuận. Việc thu thập dữ liệu hành vi, lịch sử thao tác hay thậm chí cảm xúc của nhân viên phải rõ ràng về mục đích, giới hạn và cơ chế bảo vệ dữ liệu. Không ai muốn làm việc trong một không gian bị giám sát với mục tiêu dùng AI giúp tăng năng suất. 

3. Khả năng giải thích (Explainability) 

Nhân viên phải được thông báo rằng họ đang được đánh giá bởi hệ thống tự động và phải có quyền khiếu nại, phản biện, hoặc yêu cầu đánh giá thay thế bởi con người. Điều này giúp giữ được sự tin cậy lẫn nhau trong tổ chức, không để AI trở thành “hộp đen ra quyết định”. 

4. Trách nhiệm giải trình (Accountability) 

Người sử dụng AI, tức là nhà quản lý, phải chịu trách nhiệm giải thích, cập nhật và xử lý hậu quả do hệ thống gây ra. Không thể đổ lỗi cho AI khi hệ thống chấm sai hoặc gây căng thẳng cho nhân viên.

Tóm lại, AI có thể là công cụ hỗ trợ đánh giá hiệu suất  nhưng không được trở thành “giám thị toàn năng”. Sự hợp lý về đạo đức chỉ có thể đạt được nếu doanh nghiệp áp dụng AI một cách minh bạch, có sự giám sát con người, bảo vệ quyền riêng tư, và tôn trọng phẩm giá người lao động.

Ở Việt Nam, điều đáng lo hiện nay là chúng ta đang áp dụng AI theo mô hình “mua về - chấm điểm - tăng năng suất” mà chưa có khung đạo đức cụ thể. Khóa học của chúng tôi đang góp phần lấp vào khoảng trống đó, trước khi tổn thương xảy ra.

Có nên để trẻ em tiếp xúc thường xuyên với trợ lý ảo hoặc chatbot AI từ nhỏ? Việc học sinh dùng ChatGPT hay công cụ AI để làm bài có vi phạm đạo đức học tập không?

Chúng ta đang sống trong một thế giới mà trẻ em lớn lên cùng với máy móc có thể trò chuyện, trả lời câu hỏi, thậm chí viết văn hay làm toán. Việc để trẻ em tiếp xúc với trợ lý ảo hay chatbot AI là điều khó tránh, nhưng có nên để các em tiếp xúc một cách thường xuyên và không kiểm soát hay không lại là một câu hỏi đạo đức quan trọng.

Một là, nếu AI chỉ đóng vai trò như một công cụ hỗ trợ khám phá thế giới được sử dụng có hướng dẫn, có giới hạn và trong môi trường giáo dục tích cực - thì nó có thể giúp trẻ em mở rộng kiến thức, hình thành khả năng đặt câu hỏi, và tương tác ngôn ngữ hiệu quả. Nhưng nếu trẻ em lạm dụng hoặc lệ thuộc vào AI, nhất là trong giai đoạn hình thành tư duy nền tảng, thì nguy cơ mất đi năng lực tự chủ (human agency) là rất lớn. Khi trẻ không còn cần tự suy nghĩ, tự lựa chọn, tự chịu trách nhiệm thì chúng ta đã đánh mất điều quan trọng nhất trong giáo dục: khả năng làm người.

Hai là, trong bối cảnh học sinh sử dụng ChatGPT hay các công cụ AI để làm bài, câu hỏi không nên dừng lại ở “có vi phạm hay không”, mà cần đi sâu vào việc các em có đang thực sự học không. Nếu học sinh sử dụng AI như một người bạn học để hiểu bài, gợi ý cách diễn đạt, mở rộng ý tưởng thì đó là biểu hiện của sự chủ động và sáng tạo. 

Khóa học Đạo đức AI mà chúng tôi xây dựng luôn nhấn mạnh: công nghệ phải tăng cường, chứ không thay thế năng lực con người. 

Trong giáo dục, AI nên là bệ đỡ, không phải cái nạng. Càng sớm dạy học sinh điều đó, chúng ta càng có hy vọng đào tạo được một thế hệ vừa làm chủ được công nghệ, vừa giữ được bản lĩnh người học.

Giáo dục nên dạy trẻ em về AI từ khi nào, và nên dạy những gì? Liệu AI có thể trở thành người “thầy” đáng tin cậy không, hay vẫn cần người thật?

Điều quan trọng không phải là sớm hay muộn, mà là dạy đúng thứ cần dạy ở đúng độ tuổi. Ở tiểu học, đó là tư duy phân biệt giữa người thật và máy học. Ở trung học, đó là nhận diện rủi ro của thiên lệch thuật toán. Ở phổ thông và đại học, đó là cách ứng xử có đạo đức với AI, không ảo tưởng, không phụ thuộc.

Hai là, AI có thể làm “gia sư” rất hiệu quả vì nó kiên nhẫn, cá nhân hóa, và trả lời không mệt mỏi. Nhưng gọi AI là “người thầy đáng tin cậy” thì cần thận trọng. 

Tôi đồng ý rằng AI có thể và nên được đưa vào giáo dục nhưng chỉ khi nó được đặt dưới sự dẫn dắt của giáo viên, không phải thay thế người thầy. Vai trò của nhà giáo trong thời đại AI không mất đi mà ngược lại, càng trở nên thiết yếu hơn để giữ cho việc học không chỉ là “tiêu thụ kiến thức”, mà là quá trình trưởng thành làm người.

Việc dùng AI để chỉnh sửa ảnh, giọng nói, video có làm xói mòn khái niệm “sự thật” trong đời sống không? 

Chúng ta đang bước vào một thời kỳ mà “sự thật” không còn chỉ là thứ xảy ra mà là thứ có thể tái tạo, tùy chỉnh và nhân bản bằng thuật toán. Khi AI có thể tạo ra giọng nói không khác gì người thật, hình ảnh không tồn tại nhưng trông rất thật, hay cả một video mà người trong cuộc chưa từng nói lời nào thì khái niệm "sự thật gốc" (original truth) bắt đầu bị bào mòn, nhường chỗ cho một “thế giới dựng lại”.

AI không phải kẻ dối trá mà chính cách chúng ta dùng AI để tạo ra nội dung đánh lừa người khác mới là vấn đề đạo đức. Trong khóa học Đạo đức AI, chúng tôi nhấn mạnh rằng: không thể chỉ đánh giá công cụ, mà phải xem ai dùng nó, dùng vào mục đích gì, và có tiết lộ rõ ràng hay không. Khi người dùng không biết hình ảnh mình xem đã bị deepfake, hay đoạn ghi âm là giả, thì ranh giới giữa thông tin và thao túng đã bị phá vỡ. Lúc đó, sự thật không còn là nền tảng cho lòng tin xã hội mà trở thành một “sản phẩm có thể được sản xuất”.

Người dùng phổ thông cần có một trình độ hiểu biết tối thiểu về công nghệ truyền thông mới: biết nghi ngờ những gì quá hoàn hảo, biết kiểm tra nguồn gốc nội dung, biết phân biệt thật-giả không chỉ bằng mắt thường mà bằng kỹ năng số. Chúng ta đang cần một khái niệm mở rộng hơn của “biết chữ” - đó là thông thạo kỹ thuật số (digital literacy) và am hiểu đạo đức (ethical literacy).

Theo nguyên tắc Accountability by design của AI Ethics, mọi hệ thống AI trong lĩnh vực nhạy cảm phải có "người chịu trách nhiệm nhận diện được (identifiable human in the loop)". Và về mặt pháp lý, hệ thống quy trách nhiệm phải được thiết kế rõ ràng ngay từ khâu phát triển không thể chỉ xử lý sau khi hậu quả đã xảy ra.

Tóm lại, AI có thể hỗ trợ, thậm chí đề xuất quyết định nhưng quyền ra quyết định cuối cùng trong những lĩnh vực gắn với đạo đức nhân loại phải là của con người. Công lý, sự sống và nhân cách không thể là kết quả của tối ưu hóa xác suất.

Trách nhiệm không phải của riêng ai, khi tồn tại trách nhiệm của mỗi cá nhân khi sử dụng công cụ AI, trách nhiệm của các nhà lập pháp trong thời đại mới, và trách nhiệm của các nhà giáo ngày một lớn khi con trẻ non nớt đang tập tành làm quen với những khái niệm mới. Chỉ khi mỗi cá nhân thực hiện trọn vẹn vai trò của mình, tập thể mới vững mạnh, có được những bước tiến vững chắc trong kỷ nguyên vươn mình.