'Địa ngục lò luyện thi' khiến người Hàn ngại làm cha mẹ

Admin

Phụ huynh Hàn Quốc thường mô tả sự cạnh tranh học tập là "cuộc chiến trường kỳ". Nhưng chính áp lực này lại khiến nhiều người hối hận vì đã sinh con.

Sau 22h, hàng loạt học sinh rời lò luyện thi trên phố Daechi-dong. Ảnh: Kyodo.

"Đây thực sự là một cuộc chiến. Không còn đường lui nữa", bà Ahn Ji Won, 49 tuổi, một người mẹ sống ở vùng ngoại ô Seoul, bày tỏ sự căng thẳng về xu hướng tập trung quá mức vào thành tích học tập ở Hàn Quốc.

Sự cạnh tranh khốc liệt khiến cả trẻ mẫu giáo cũng phải tham gia các lớp học thêm để chuẩn bị trước khi vào tiểu học, thường với học phí rất cao.

Theo Cục Thống kê Hàn Quốc, tổng chi phí mà phụ huynh nước này chi cho các lò luyện thi (hagwon) ở cấp tiểu học, THCS và THPT trong năm 2024 lên tới 29,2 nghìn tỷ won, tăng 7,7% so với năm trước đó.

Đây là mức cao kỷ lục trong năm thứ tư liên tiếp, mặc dù Hàn Quốc đang trải qua tình trạng tỷ lệ sinh giảm. Trung bình mỗi tháng, một học sinh trung học tiêu tốn khoảng 740.000 won cho việc học thêm.

Với hai con, gia đình bà Ahn chi khoảng 6 triệu won mỗi tháng cho các lò luyện thi. Con lớn đang ôn thi vào trường y sau khi trượt vào năm ngoái. Còn con nhỏ đang học THCS.

Dù cả hai vợ chồng đều làm việc, khoản chi phí khổng lồ này đã chiếm hơn 70% ngân sách gia đình.

"Đôi khi, tôi hối hận vì đã sinh con, bởi vì tôi không thể chuẩn bị tài chính cho mình khi về già", bà Ahn chua xót.

Không chỉ gánh nặng về tiền bạc, các bậc cha mẹ Hàn Quốc còn phải hy sinh rất nhiều thời gian và công sức để hỗ trợ con cái trên con đường học vấn.

Việc học sinh chuyển đổi giữa các lò luyện thi cho từng môn học là chuyện thường ngày. Thậm chí, còn có cả những lò luyện thi để vào được các lò luyện thi danh tiếng khác.

Vào cuối tuần và các ngày lễ, trẻ em miệt mài học tập từ sáng đến tối, còn cha mẹ thì tất bật đưa đón con đi học thêm.

Tại Daechi-dong, một khu phố giàu có ở Gangnam (Seoul), nơi tập trung nhiều lò luyện thi lớn, đường phố vào ban đêm tắc nghẽn bởi ô tô của phụ huynh đưa con em về nhà từ các lò luyện.

Tiếng còi giao thông inh ỏi của cảnh sát vang lên theo hành trình của họ. Cảnh tượng này quen thuộc đến mức người ta gọi đó là "địa ngục luyện thi".

Con trai cả của bà Ahn đã theo học các lò luyện thi từ mới tiểu học. Lên cấp hai, em ngủ chưa đến 5 giờ mỗi đêm để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh.

"Bọn trẻ hoàn toàn không có thời gian chơi, ngay cả vào kỳ nghỉ hè", người mẹ nói.

Sau lần thất bại đầu tiên ở kỳ thi vào trường y, con trai bà Ahn đã tìm đến một lò luyện thi "khét tiếng" ở Daechi-dong, nơi nổi tiếng với tỷ lệ đỗ đại học y cao.

Trước đó, năm 2023, nhằm giảm nhu cầu học thêm và tạo cạnh tranh thi cử công bằng hơn, cựu Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã loại bỏ những câu hỏi đặc biệt khó, nằm ngoài chương trình giảng dạy của trường công, khỏi kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia (CSAT).

Tuy nhiên, động thái này dường như không mang lại hiệu quả. Các bậc phụ huynh lo lắng trước những thay đổi, vẫn đổ xô cho con em mình đi luyện thi.

"Nhờ có cựu tổng thống, thị trường dạy thêm đã trở nên sôi động hơn", Jeon Dae Geun, 42 tuổi, một chuyên gia tư vấn tuyển sinh nổi tiếng và là chủ tịch của HY Education, nói một cách mỉa mai.

Các tư vấn viên sẵn sàng cung cấp các bài kiểm tra thử và khóa luyện thi được thiết kế riêng cho từng trường đại học mục tiêu với mức giá "cắt cổ", từ 70-100 triệu won mỗi năm cho một học sinh.

Tình hình tài chính của một gia đình sẽ quyết định con cái họ học ở trường nào và công việc tương lai của chúng. Biết rõ áp lực kinh tế đè nặng lên vai phụ huynh, bà Ahn thường khuyên các đồng nghiệp trẻ: "Nếu không muốn đánh mất cuộc sống riêng, tốt nhất là đừng sinh con".

Sách về nghề giáo

Xin được nói thẳng (GS Hoàng Tụy) và Ước vọng cho học đường (GS Huỳnh Như Phương): Cuốn sách của hai nhà giáo tiên phong tại Việt Nam với nhiều suy nghĩ và những trăn trở của hai ông về tương lai nền giáo dục nước nhà.