
Nhìn từ xa 2 cây cổ thụ im bóng xuống một góc rộng lớn xung quanh.
Hai cây lim cổ thụ được cho là minh chứng về những dấu tích của khu rừng lim cổ mà quân và dân nhà Trần đã lấy gỗ dựng trận địa cọc, góp phần quan trọng làm nên chiến thắng Bạch Đằng lừng lẫy năm 1288.

Là một trong những người chứng kiến sự tồn tại và phát triển 2 cây lim giếng Rừng trong nhiều thập kỷ, ông Lê Vang (89 tuổi,) là cựu chiến binh sinh sống gần khu vực bảo tồn 2 cây lim cho biết, 2 cây này có từ rất lâu đời, từ lúc ông còn trai trẻ đã thấy cây tỏa bóng mát cả một vùng. Vì vậy, nơi đây thường được bà con lối xóm hay tụ họp nghỉ ngơi.

Ông Lê Vang thường xuyên hóng mát tại 2 gốc cây lim giếng Rừng mỗi chiều.
Đặc biệt, theo cụ Lê Vang, 2 cây lim này có thể "ngủ -thức" đúng giờ. Theo lý giải của cụ cao niên, các lá của 2 cây này cứ chiều tối là cụp vào như ngủ và tới sáng sớm lại tươi tỉnh đón ánh nắng sớm như vừa qua giấc ngủ đêm.

Khoảng tầm 17h các lá cây bắt đầu "ngủ" với tư thế cụp vào.
Theo bảng thông tin trích xuất từ mã QR giới thiệu về 2 cây di sản, hai cây lim giếng Rừng được Bộ Văn hóa công nhận là di tích cấp quốc gia năm 1998 và thuộc cụm di tích lịch sử chiến thắng Bạch Đằng. Cả 2 cây có tuổi đời gần nhau, một cây cao khoảng 30m, chu vi gốc 5,5m, cành lá xum xuê, xanh tốt, tán lá vươn dài tới 20m. Cây thứ hai to hơn, cao khoảng 30m, đường kính gốc tới 7,2m, tán lá xanh tốt vươn dài tới 25m.

Hai cây cổ thụ có đường kính thân gốc gấp nhiều lần một người bình thường.
Bên cạnh hai cây lim cổ có hai giếng nước được xây từ thời Pháp, gắn liền với đời sống sinh hoạt của người dân nơi đây. Trong đó, có một giếng lớn được người dân dùng để giặt giũ, giếng bé hơn thì dùng để lấy nước ăn. Hiện hai giếng được xây xung quanh, lát gạch sạch sẽ và có nắp đậy. Cùng với 2 cây lim tạo thành một quần thể "cây đa, giếng nước" im đậm nét văn hóa làng quê Việt Nam.

Người dân thể thục cạnh giếng nước cổ từ thời Pháp.
"2 giếng nước có từ thời Pháp, nước trong giếng nước trong vắt và không bao giờ bị cạn. Hiện các nhà xung quanh đây vẫn dùng nước lấy từ giếng này để ăn", ông Lê Vang chia sẻ.

Hai cây lim tỏa bóng mát là nơi sinh hoạt chung của người dân quanh khu.
Theo phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Quảng Yên, hai cây lim giếng Rừng được xem là chứng tích còn lại trong khu rừng lim, vốn được quân và dân nhà Trần chặt để làm cọc trên sông Bạch Đằng, đánh tan quân xâm lược Nguyên Mông ngày 8/3 năm Mậu Tý 1288. Để bảo tồn, thị xã Quảng Yên thường xuyên cắt tỉa cành khô, tưới chất sinh trưởng và bổ sung chất dinh dưỡng cho cây.