"Huyền thoại nhạc đỏ" NSND Trung Đức: Tuổi 73 sống an yên bên gia đình

Admin

Dù không thuộc diện phải nhập ngũ vì là con trai một, lại có chị gái ruột hy sinh trong thời chống Pháp, nhưng NSND Trung Đức đã viết đơn tình nguyện, xin được vào chiến trường chiến đấu.

NSND Trung Đức từng là lính lái xe tải Trường Sơn, tham gia kháng chiến chống Mỹ

NSND Trung Đức sinh năm 1952, sở hữu chất giọng cao, ấm, truyền cảm. Tên tuổi của ông gắn liền với những bài hát cách mạng nổi tiếng như: Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây; Trên đỉnh Trường Sơn; Chào em cô gái Lam Hồng; Lá đỏ; Tổ quốc gọi tên mình; Vui mở đường, Nhịp cầu nối những bờ vui;...

Trước khi trở thành ca sỹ, ông từng là lính xe tải Trường Sơn. Vì thế, mỗi lần cất tiếng hát, ông hát bằng cả trái tim, hát cho đồng đội và chính bản thân mình của những năm tháng ấy.

"Huyền thoại nhạc đỏ" NSND Trung Đức: Tuổi 73 sống an yên bên gia đình- Ảnh 1.

Những ca khúc song ca của NSND Trung Đức và NSND Thu Hiền đã đi vào huyền thoại.

Nghệ sĩ Trung Đức kể, ông vốn không thuộc diện phải nhập ngũ vì là con trai một, lại có chị gái ruột hy sinh trong thời chống Pháp. Tuy nhiên, thời điểm Trung Đức đang theo học ngành Văn - Đại học Tổng hợp Hà Nội thì chiến tranh nổ ra ác liệt, ông đã viết đơn tình nguyện, xin được vào chiến trường chiến đấu.

NSND Trung Đức nhập ngũ năm 1972. Trước đó, ông được đào tạo lái xe, từng nhận xe, sang Lào và quay về Quảng Trị. Rồi ông được đi học đặc công và tiếp tục quay lại chiến trường Quảng Trị.

Ông là lính lái xe của Binh đoàn 559 (nay là Binh đoàn Trường Sơn). Ông làm nhiệm vụ chở mỳ chính, muối và một số nhu yếu phẩm đi từ Nghệ An theo đường Trường Sơn vào Quảng Trị.

"Huyền thoại nhạc đỏ" NSND Trung Đức: Tuổi 73 sống an yên bên gia đình- Ảnh 2.

NSND Trung Đức từng là một người lính tham gia kháng chiến chống Mỹ.

Thời đó, dù thiếu thốn đủ điều nhưng trong cabin xe của Trung Đức lúc nào cũng có cây đàn guitar để hát phục vụ anh em, bạn bè... Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây là bài ca ông hát nhiều nhất trong những năm tháng ấy.

Sau này, nghệ sĩ Trung Đức được chuyển sang Sư đoàn 305, tiền thân của Bộ tư lệnh Đặc công ngày nay. Ông từng tham gia đội hình tác chiến, đánh trận ở sân bay Quảng Trị. Tham gia trận đánh đó có 12 chiến sỹ thì 11 người hy sinh, chỉ một mình Trung Đức còn sống. Mỗi khi nhớ lại quãng thời gian đó, nam nghệ sĩ thấy mình may mắn và biết ơn đồng đội đã hy sinh cho ông được sống.

Ông tâm sự, mỗi khi hát về Trường Sơn, trước mắt ông như hiện lên những vạt rừng bị bom Mỹ thiêu trụi đang bốc khói, những người bạn nằm lại trên chiến trường đầy bom đạn.

Tuổi 73 viên mãn bên gia bên gia đình

Trở về từ chiến trường, NSND Trung Đức được đào tạo ở Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Sau khi tốt nghiệp, ông về công tác tại Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long rồi chuyển sang Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam cống hiến cho đến khi nghỉ hưu.

"Huyền thoại nhạc đỏ" NSND Trung Đức: Tuổi 73 sống an yên bên gia đình- Ảnh 3.

Ở tuổi 73, NSND Trung Đức vẫn sở hữu giọng ca hào sảng, dạt dào tình cảm

Với chất giọng cao, ấm áp và truyền cảm, NSND Trung Đức đã nhanh chóng khẳng định được vị thế của mình trong làng nhạc Việt và được yêu mến suốt nhiều thập kỷ. Đặc biệt, sự kết hợp ăn ý giữa ông với NSND Thu Hiền đã tạo nên cặp song ca huyền thoại của dòng nhạc cách mạng.

Ngoài vai trò ca sỹ, NSND Trung Đức còn được biết đến với tư cách là tác giả của một số ca khúc được yêu thích như: Em đi chùa Hương, Chân quê, Gọi em, Nhớ về hội Lim.

Năm 2007, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân vì những cống hiến to lớn cho nền nghệ thuật nước nhà.

Dù không còn xuất hiện nhiều trên các sân khấu lớn, ông vẫn nhận lời tham gia một số chương trình, sự kiện phù hợp với sức khỏe. Ngoài những lúc đi lưu diễn, ông vẫn nhận học trò dạy thanh nhạc ở nhà.

Rất nổi tiếng, nhưng NSND Trung Đức lại giữ lối sống kín đáo, khiêm nhường. Ở tuổi ngoài 70, ông mới lần đầu tiên giới thiệu bạn đời của mình cho khán giả biết trong chương trình Khách sạn 5 sao.

"Huyền thoại nhạc đỏ" NSND Trung Đức: Tuổi 73 sống an yên bên gia đình- Ảnh 4.

NSND Trung Đức và bà xã xinh đẹp.

Ông cho biết, rất may mắn khi ông cưới được vợ xinh đẹp, khéo léo. Bà xã của ông tên là Phạm Phương. Vợ chồng ông có 4 người con, 3 trai, 1 gái. Vợ ông chính là "tay hòm chìa khóa", chăm lo cả gia đình và đối nội, đối ngoại.

Cuộc sống hôn nhân đã 35 năm của ông bà rất hạnh phúc, mặn nồng. Bà là người luôn tin tưởng chồng nên dù ông được rất nhiều khán giả nữ ái mộ, bà Phạm Phương không bao giờ ghen tuông. Đó là một trong những lợi thế giúp Trung Đức chuyên tâm cống hiến cho sự nghiệp âm nhạc.

"Huyền thoại nhạc đỏ" NSND Trung Đức: Tuổi 73 sống an yên bên gia đình- Ảnh 5.

Nam nghệ sĩ hiện đang có cuộc sống an yên bên gia đình.

Hiện tại, NSND Trung Đức và vợ sống an yên bên con gái và các cháu ngoại trong căn nhà ấm cúng ở quận Đống Đa, Hà Nội. Mỗi ngày, ông đều thức dậy vào 4 giờ sáng để tập thể dục và đi ăn sáng, uống cà phê với bạn bè. Nếu không đi tỉnh biểu diễn, nam nghệ sĩ ở nhà chơi với cháu, trò chuyện cùng vợ và đọc sách.

Tùng Lâm (t/h)

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Nữ chính phim "Bao giờ cho đến tháng Mười" tự viết hành trình riêng cho cuộc đời mìnhNữ chính phim