Loạt đại học ở TP.HCM dự báo điểm chuẩn 2025 giảm

Admin

Dựa trên độ khó của đề thi tốt nghiệp THPT 2025, một số trường đại học dự báo điểm chuẩn năm 2025 sẽ thấp hơn so với năm trước.

Học sinh Hà Nội trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025. Ảnh: Việt Hà.

"Năm nay, Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM) xét tuyển 6 tổ hợp. Trong đó, Toán và Tiếng Anh là 2 môn xét tuyển chủ lực, dự kiến điểm chuẩn năm nay sẽ giảm nhẹ so với năm 2024".

Đó là dự báo của ThS Cù Xuân Tiến, Trưởng phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên, Đại học Kinh tế - Luật (UEL), về điểm chuẩn vào trường năm nay.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 diễn ra trong bối cảnh chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai toàn diện, kéo theo sự thay đổi đáng kể trong cấu trúc đề thi của nhiều môn.

Không riêng UEL, trao đổi với Tri Thức - Znews, căn cứ vào thực tế đề thi và tình hình làm bài của học sinh, đại diện nhiều trường đại học cũng dự báo điểm chuẩn các tổ hợp có môn Toán, Tiếng Anh sẽ giảm nhẹ so với năm trước (theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, chưa quy đổi).

Điểm chuẩn tổ hợp D01 sẽ giảm

Theo ông Cù Xuân Tiến, các tổ hợp xét tuyển có các môn Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh sẽ giảm nhiều hơn so với các tổ hợp có các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật. Đặc biệt, tổ hợp D01 (Toán - Ngữ văn - Tiếng Anh) sẽ có điểm chuẩn giảm mạnh so với năm 2024.

Đồng quan điểm, ThS Nguyễn Thị Xuân Dung, Giám đốc Trung tâm Truyền thông, Đại học Công nghệ TP.HCM, nhận định đề thi năm nay vẫn bám sát định hướng của Bộ GD&ĐT và nằm trong chương trình học, nhưng được đánh giá có độ khó nhỉnh hơn so với năm 2024, thể hiện rõ yêu cầu vận dụng kiến thức, kỹ năng tổng hợp và tư duy thực tiễn.

Bà Dung nhận định với mặt bằng chung đề thi năm nay, phổ điểm toàn kỳ thi được dự đoán tập trung chủ yếu trong khoảng 6-7 điểm.

Các tổ hợp truyền thống như A00, B00, D01 có xu hướng phân hóa rõ rệt, với mức điểm phổ biến từ 18-22 điểm, trong khi số lượng thí sinh đạt từ 25 điểm trở lên không nhiều.

"Phổ điểm này cơ bản đáp ứng tốt mục tiêu xét tốt nghiệp, đồng thời dự báo điểm chuẩn đại học sẽ giữ nguyên hoặc giảm nhẹ ở một số ngành", bà Dung nói.

Tại Đại học Công nghệ TP.HCM, bà Dung dự kiến điểm chuẩn theo phương thức xét điểm thi THPT 2025 sẽ dao động 16-21 điểm tùy theo ngành.

Trong đó, các ngành thu hút nhiều thí sinh đăng ký như Công nghệ thông tin, Truyền thông đa phương tiện, Thiết kế đồ họa, Quan hệ công chúng, Marketing, Digital Marketing, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, Công nghệ kỹ thuật ô tô, Ngôn ngữ Anh… vẫn duy trì sức cạnh tranh cao, với điểm chuẩn dự kiến trong khoảng 18-20 điểm.

ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Đại học Công Thương TP.HCM, dự báo mức điểm trúng tuyển vào trường năm nay tương tự hoặc thấp hơn năm ngoái khoảng 1 điểm, áp dụng với các ngành như Marketing, Logistic và quản lý chuỗi cung ứng, Quản trị kinh doanh.

Ngành Du lịch, Công nghệ thông tin sẽ thấp hơn năm ngoái khoảng 0,5 điểm, tương ứng điểm chuẩn 20,5-21,5.

Các ngành khác như Điện, Cơ khí, Công nghệ may, Công nghệ sinh học, điểm trúng tuyển sẽ tương tự năm ngoái, tức 17-20 điểm.

"Năm nay, trường bổ sung tổ hợp C00, xét tuyển vào các ngành Luật, Du lịch, dự báo điểm chuẩn khoảng 23-24", ông Sơn nói.

Trong khi đó, ở Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Đào Tùng, Giám đốc Học viện Tài chính, dự báo điểm chuẩn trúng tuyển của các trường đại học top trên sẽ giảm 3-5 điểm, các trường top giữa sẽ giảm 3-4 điểm.

du bao diem chuan anh 1

Các nhà giáo dục khuyên thí sinh nên bình tĩnh chờ phổ điểm từ Bộ GD&ĐT. Ảnh: Duy Hiệu.

Thí sinh không cần quá lo lắng

Các nhà giáo dục nhận định điểm chuẩn khối D01 có thể giảm so với năm trước. Song theo ông Cù Xuân Tiến, điều này cũng sẽ dẫn đến bất lợi cho các thí sinh nếu như các trường xét tuyển vào một ngành bằng nhiều tổ hợp nhưng không có cơ chế điều chỉnh điểm giữa các tổ hợp.

Dù vậy, ông Tiến khuyên các thí sinh không nên quá lo lắng về vấn đề này, bởi đề thi khó là khó chung, điểm chuẩn giữa các phương thức/tổ hợp sẽ được các trường xem xét, điều chỉnh tương ứng.

Ngoài ra, theo quy định của Bộ GD&ĐT, năm nay các trường phải quy đổi điểm trúng tuyển tương đương giữa các phương thức xét tuyển, đồng thời bỏ xét tuyển sớm, nên cơ hội trúng tuyển bằng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT sẽ nhiều hơn so với năm 2024.

Thông tin thêm, ông Tiến cho biết hội đồng tuyển sinh của UEL đang xem xét việc điều chỉnh mức chênh lệch điểm xét tuyển các tổ hợp có môn Tiếng Anh nhằm đảm bảo quyền lợi cho các em. Thông tin chính thức sẽ được công bố sau khi có phổ điểm thi tốt nghiệp THPT.

Ngoài ra, năm nay, trường cho phép quy đổi chứng chỉ tiếng Anh quốc tế thành điểm môn Tiếng Anh trong tổ hợp xét tuyển hoặc cộng điểm thưởng vào điểm tổng của tổ hợp xét tuyển. Với độ khó của môn Tiếng Anh năm nay, ông Tiến dự đoán năm nay sẽ có nhiều em sử dụng chứng để xét tuyển vào trường.

ThS Nguyễn Thảo Chi, Trưởng phòng Truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM, cũng khuyên thí sinh bình tĩnh chờ đợi phân tích phổ điểm từ Bộ GD&ĐT sau khi có kết quả thi.

Việc đề thi khó không có nghĩa là thí sinh sẽ khó đậu hơn những năm trước. Thay vào đó, nó sẽ dịch chuyển phổ điểm xuống thấp hơn.

Các trường đại học sẽ dựa vào phổ điểm chung để xác định ngưỡng điểm sàn và điểm chuẩn, đảm bảo những thí sinh có năng lực tương ứng với mặt bằng chung vẫn sẽ có cơ hội trúng tuyển.

"Ngoài ra, các trường cũng đã đa dạng hóa các phương thức xét tuyển cũng như tổ hợp xét tuyển nhằm tạo thuận lợi hơn cho các thí sinh", bà Chi nhận định.

Thị trường lao động thay đổi chóng mặt, để tồn tại, con người cần học tập suốt đời. Trong bối cảnh đó, tạp chí Tri Thức - Znews giới thiệu tới độc giả cuốn Học tập suốt đời của tác giả Michelle R.Weise.

Tác phẩm cung cấp cho độc giả những đánh giá về thị trường lao động tương lai, những giải pháp cho nhu cầu vừa học vừa làm đang ngày một tăng, cùng với đó là đưa ra những cách kết nối để quá trình chuyển đổi “học-làm” diễn ra thuận lợi hơn. Từ đó, tác giả nêu lên vai trò của việc học tập suốt đời.