Loay hoay với hơn 20 nguyện vọng vì không dám 'đua' theo điểm chuẩn

Admin

Khi lựa chọn nguyện vọng đại học, thí sinh băn khoăn giữa việc chạy theo điểm chuẩn, xu hướng hay chọn ngành "vừa tầm" nhưng đáp ứng theo sở thích cá nhân.

Sĩ tử vẫn còn nhiều đắn đo khi lựa chọn nguyện vọng xét tuyển.

Chỉ còn vài ngày nữa là đến thời hạn “chốt” nguyện vọng đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học, Nguyễn Hà, học sinh tại Hà Tĩnh, vẫn đang loay hoay với hơn 20 nguyện vọng, chưa biết nên chọn, nên bỏ phương án nào.

Đạt 24 điểm khối A01 trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 vừa qua, Hà dự định dùng số điểm này để đăng ký vào các ngành liên quan kinh tế tại các trường đại học ở Hà Nội. Dù không có đam mê với kinh tế, Hà vẫn định theo vì thấy đây là ngành "hot" trong những năm qua, báo cáo về đầu ra việc làm cũng nổi bật.

Khó chọn nguyện vọng

Dù đã liệt kê hơn 20 nguyện vọng, nữ sinh vẫn sợ khó đậu đại học vì thấy điểm của mình không quá cao. Nếu so với điểm chuẩn đại học năm 2024, Hà dự đoán bản thân có thể trượt những nguyện vọng đầu.

Bản thân em cũng thường đặt câu hỏi liệu các trường đại học có giảm điểm chuẩn hay không. Nếu có, trường sẽ giảm điểm chuẩn sâu đến mức nào, cơ hội đậu với mức điểm 24 là bao nhiêu.

Chính vì lo lắng về phần điểm chuẩn, Hà vẫn cứ đắn đo chuyện xếp nguyện vọng. 17h ngày 28/7 là thời hạn cuối cùng để điền nguyện vọng, nữ sinh vẫn không ngừng cân đo đong đếm vì sợ chỉ cần tính sai một bước là có thể mất cơ hội vào đại học.

Trong khi đó, một người bạn cùng lớp của Nguyễn Hà đạt hơn 27 điểm khối A00 trong kỳ thi vừa qua lại đang đứng giữa 2 lựa chọn: Nên chọn ngành/trường hot, phù hợp với số điểm đạt được hay chọn học ngành ít hot hơn nhưng đam mê hơn.

Người bạn của Hà đam mê kỹ thuật, muốn chọn ngành học liên quan cơ khí hoặc ôtô, nhưng gia đình người bạn này lại muốn hướng con học kinh tế, kinh doanh với lý do “ngành hot, điểm chuẩn cao nên sẽ có tiếng hơn”. Hà kể rằng người bạn này đã nhiều lần tranh luận với gia đình, nhưng vẫn chưa thể thuyết phục để theo đuổi ngành yêu thích.

Hiểu rõ vấn đề mà nhiều thí sinh đang gặp phải, ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Đại học Công thương TP.HCM, khuyên thí sinh cần khám phá sở thích và năng lực thật sự của bản thân. Ông gợi ý một số câu hỏi định hướng như: Mình thích làm gì trong thời gian rảnh? Môn học nào mình yêu thích nhất và tại sao? Có hoạt động nào khiến mình say mê, quên thời gian?...

“Ngoài chuyện điểm số, các thí sinh cũng nên chọn ngành dựa trên khả năng giải quyết vấn đề, tư duy logic, khả năng giao tiếp để đảm bảo có thể học tập tốt, theo đuổi ngành học đến nơi đến chốn”, ThS Sơn nói.

dang ky nguyen vong anh 1

ThS Phạm Thái Sơn đưa ra lời khuyên cho thí sinh trong giai đoạn lựa chọn nguyện vọng đại học. Ảnh: NVCC.

Nên chọn ngành theo sở thích

Về thứ tự đăng ký nguyện vọng, Giám đốc tuyển sinh của Đại học Công thương TP.HCM khuyên thí sinh nên đăng ký theo đúng sở thích. Các bạn nên ưu tiên nguyện vọng đầu cho trường top nếu thực sự yêu thích và đủ năng lực, sau đó mới đến các trường vừa sức, rồi cuối cùng là một số lựa chọn an toàn hơn.

Một yếu tố khác khi chọn ngành mà ThS Phạm Thái Sơn khuyên thí sinh cần lưu tâm là việc lựa chọn các ngành học có nội dung đào tạo tương đồng trong cùng một khoa hoặc tổ bộ môn.

Ông nói rằng nhiều ngành học có đến 60-70% kiến thức giống nhau. Nếu không đủ điểm vào ngành A, thí sinh có thể chọn ngành B có điểm thấp hơn nhưng chương trình học vẫn gần giống. Sau này, các em có thể bổ sung thêm một số học phần chuyên sâu để đạt mục tiêu ban đầu.

“Chọn ngành theo năng lực, đừng bắt trend” cũng là điều mà cô M.T., giảng viên tại một trường đại học ở TP.HCM, đề cập khi đưa ra lời khuyên dành cho thí sinh khi lựa chọn nguyện vọng. Cô nói rằng vấn đề của nhiều thí sinh hiện tại là chạy theo điểm chuẩn và xu hướng để chọn ngành nên đôi khi quên mất điều quan trọng nhất là chọn ngành phù hợp với năng lực, sở thích và điều kiện kinh tế của gia đình.

Nhiều năm làm giảng viên, cô T. từng gặp một số sinh viên vì chạy theo xu hướng nên đuối sức và phải bỏ ngành để thi lại, chọn ngành khác phù hợp hơn. Một sinh viên cũng từng tâm sự với cô về việc cảm thấy hối hận khi chọn sai ngành, nhưng không dám bỏ ngang nên đành cố “lết” cho qua 4 năm đại học.

Theo cô T., việc chọn đúng chuyên ngành ngay từ đầu không chỉ giúp sinh viên rút ngắn thời gian học đại học, mà còn mở ra con đường dẫn tới sự thành công và hạnh phúc trong sự nghiệp tương lai.

Khi theo học ngành phù hợp với sở thích và năng lực, sinh viên sẽ cảm thấy hứng thú hơn trong học tập, dễ đạt kết quả tốt và có thêm sự tự tin. Đồng thời, họ cũng sẽ dễ dàng tiếp cận các cơ hội thực tập chất lượng - yếu tố quan trọng để tìm được việc làm tốt sau khi ra trường.

Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp

Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.

Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.

Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.