![]() |
Người Hàn Quốc biểu tình sau cái chết của một giáo viên tiểu. Ảnh: Reuters. |
Ba năm trước, Choi, chàng trai 23 tuổi, đầy kỳ vọng khi bước chân vào học sư phạm ở Hàn Quốc. Anh tin rằng mình đang theo đuổi một nghề nghiệp cao quý. Giống như nhiều người đi trước, anh xem việc dạy học là một công việc ổn định, có ý nghĩa.
Thế nhưng, thực tế phũ phàng khiến anh phải cân nhắc lại tất cả. Chứng kiến giáo viên không còn được tôn trọng và lo ngại về tương lai mờ mịt của nghề, Choi đã quyết định bảo lưu kết quả học tập để chuẩn bị thi lại đại học. Lần này, anh nhắm đến ngành Dược.
"Giáo viên giờ đây không còn được dạy theo cách truyền thống. Họ liên tục đối mặt với sự thách thức, giám sát và thiếu tôn trọng. Quản lý lớp học ngày càng trở nên khó khăn. Giáo viên phải hứng chịu những lời lẽ miệt thị, thậm chí là những vụ kiện tụng từ học sinh và phụ huynh", Choi chua xót nói.
Sự hoài nghi của Choi không phải là cá biệt mà là tiếng nói chung của nhiều người trẻ Hàn Quốc. Từng là một nghề nghiệp được kính trọng, nghề giáo ở xứ sở kim chi đang dần đánh mất đi cả sức hấp dẫn lẫn vị thế.
Sự suy giảm quyền lực của giáo viên trong lớp học đã đẩy những người trẻ xa rời nghề và làm giảm sức cạnh tranh của các trường đại học sư phạm trên toàn quốc.
Dữ liệu mới nhất từ Học viện Jongro cho thấy điểm chuẩn đầu vào của các trường sư phạm năm học 2025 đã chạm đáy.
Ở một số phương thức xét tuyển đặc biệt, những học sinh có điểm học bạ chỉ đạt 7/9 vẫn trúng tuyển. Hay ở phương thức xét tuyển chung, vốn thu hút những học sinh xuất sắc, vẫn có những thí sinh với GPA chỉ ở mức 6 đỗ vào.
Tại Đại học Sư phạm Quốc gia Chuncheon, điểm chuẩn GPA trong đợt xét tuyển chung đã giảm từ 4.73 xuống 6.15. Tương tự, Đại học Sư phạm Quốc gia Gwangju cũng chứng kiến điểm chuẩn Suneung giảm xuống giữa mức 4. Ngay cả trường sư phạm danh tiếng nhất Seoul cũng ghi nhận điểm đầu vào giảm từ 1.97 xuống 2.1.
"Điều này cực kỳ hiếm, cho thấy sự sụt giảm mạnh mẽ về mức độ quan tâm, ngay cả từ nhóm học sinh có học lực trung bình", ông Im Sung-ho, người đứng đầu Học viện Jongro, đánh giá.
Đáng chú ý, sự sụt giảm này diễn ra bất chấp việc các trường sư phạm đã giảm chỉ tiêu tuyển sinh - động thái lẽ ra phải đẩy điểm chuẩn lên cao hơn.
Các chuyên gia chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, bao gồm mức lương thấp, chính sách thay đổi liên tục, gánh nặng hành chính ngày càng gia tăng và các vụ bạo lực học đường đối với giáo viên. Tất cả những yếu tố này đã làm xói mòn hình ảnh một nghề nghiệp từng đáng mơ ước.
"Nghề giáo từng là một sự nghiệp có tầm ảnh hưởng, nơi định hình cuộc đời người khác và được đối xử bằng sự tôn trọng. Giờ đây, cảm giác như bạn đang bước vào một chiến trường với đôi tay bị trói", Choi bày tỏ.
Theo Choi, đây là một nghịch lý đáng lo ngại. "Xã hội đòi hỏi kết quả giáo dục cao, nhưng lại dần mất đi chính những người có thể mang lại điều đó".
Sách về nghề giáo
Xin được nói thẳng (GS Hoàng Tụy) và Ước vọng cho học đường (GS Huỳnh Như Phương): Cuốn sách của hai nhà giáo tiên phong tại Việt Nam với nhiều suy nghĩ và những trăn trở của hai ông về tương lai nền giáo dục nước nhà.
Nghề giáo qua các tác phẩm thiếu nhi nổi tiếng: Tình thầy trò trong các tác phẩm văn chương nổi tiếng khiến độc giả cảm động bởi các nhân vật đã làm được những việc lớn lao, vượt xa chức trách của một giáo viên.