Nhu cầu cao nhưng nguồn cung chưa đáp ứng
Theo thống kê từ Bộ Xây dựng, đến năm 2030, Việt Nam cần xây dựng tối thiểu 1 triệu căn nhà ở xã hội (NƠXH) để đáp ứng nhu cầu của người dân, đặc biệt là công nhân tại các khu công nghiệp và người thu nhập thấp. Riêng TP.HCM, với dân số hơn 9,5 triệu dân và lực lượng lao động nhập cư đông đảo, nhà ở giá rẻ được kỳ vọng là giải pháp an cư cấp thiết.
Không thể phủ nhận, thời gian qua, TP.HCM đã nỗ lực đầu tư các dự án NƠXH, nhà lưu trú cho công nhân, nhằm giải quyết bài toán về chỗ ở cho đại đa số người có thu nhập thấp, công nhân lao động và những người dân bị giải tỏa trắng tại các dự án đô thị. Tuy nhiên, Thành phố cũng đang đứng trước nghịch lý là trong khi dư thừa nhà ở thương mại, phân khúc cao cấp, thì các dự án NƠXH lại thiếu vắng.
“Trong bối cảnh của TP.HCM, quy hoạch nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp luôn là câu chuyện được đặt ra. Tuy nhiên, thực tế nguồn cung trên thị trường không đầy đủ. Bài toán này vẫn đang gặp nhiều khó khăn, về mặt quy hoạch, đất đai, hạ tầng giao thông,…” Tiến sĩ Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao về Tư vấn Đầu tư Savills Việt Nam nhận định.
Vị chuyên gia cho biết, nhiều dự án nhà ở xã hội đã hoàn thiện nhưng không có người dân chuyển đến sinh sống. Nguyên nhân đến từ 3 yếu tố hạ tầng chính – hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và bài toán kinh tế đô thị – chưa được đảm bảo. Ông nhấn mạnh: “Bức tranh nhà ở xã hội không chỉ đơn thuần là vấn đề quỹ đất, mà còn là bài toán tổng thể mang tính xã hội học cao.”
Bên cạnh vấn đề hạ tầng, biến động giá cả vật tư xây dựng và sự thiếu hụt nguồn cung đang đẩy giá nhà ở xã hội tăng mạnh trên thị trường thứ cấp. Thực tế cho thấy, không ít căn hộ được rao bán với mức giá gấp đôi, thậm chí gấp 3 so với giá ban đầu chỉ sau vài năm bàn giao.
Về nguyên nhân khiến giá nhà ở xã hội tăng cao, ông Khương cho rằng: “Một số thị trường trên thế giới, Chính Phủ các nước đã tập trung phát triển NƠXH và có những chính sách cụ thể đối với vấn đề này để đảm bảo nguồn cung nhà ở cho thị trường. Tại Việt Nam, thời gian vừa qua Chính Phủ đã cho thấy quyết tâm mạnh mẽ, đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội thông qua Đề án nhà ở xã hội và Quỹ nhà ở quốc gia. Tuy nhiên, nhu cầu nhà ở quá lớn, qũy đất lại hạn hẹp nên rất khó để đáp ứng.”
Ngoài ra, ông cũng chỉ ra sự chênh lệch cung – cầu, cùng với quy hoạch chưa đồng bộ, khiến nhà ở xã hội khó đến được tay người thực sự có nhu cầu. Theo tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng, diện tích nhà ở bình quân nên đạt từ 25–30 m²/người ở các đô thị loại I, nhưng thực tế hiện tại vẫn chưa đáp ứng được.
Cần cơ chế “mở khóa” để đáp ứng nhu cầu thực
Để phát triển nhà ở xã hội một cách bền vững, ông Khương khuyến khích cần xác định rõ quỹ đất và giao cho nhà đầu tư phát triển theo hình thức KPI (chỉ số đánh giá kết quả thực hiện công việc), giữa chính phủ và doanh nghiệp. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp về thủ tục pháp lý, tín dụng và biên lợi nhuận. “Nếu có thể gỡ bỏ được những yếu tố này, đặc biệt là việc hỗ trợ nguồn vốn vay, lãi suất cho doanh nghiệp cũng như người dân trong nhóm đối tượng được mua nhà và có những cơ chế đặc thù để họ vượt qua, thì mới đảm bảo được nguồn cung,” ông nói.
Từ góc nhìn xã hội học, ông Khương cũng nhận định về những hệ lụy dài hạn nếu nhà ở xã hội tiếp tục vượt khỏi khả năng tiếp cận của người dân: “Khi người dân không có nơi để an cư, có thể tạo ra những tệ nạn xã hội rất cao. Ở góc độ xã hội học, đây là một bài toán khá đau đầu ở các nước đang phát triển.”
Trong bối cảnh mục tiêu xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030 đang được thúc đẩy, việc tháo gỡ các rào cản về pháp lý, quỹ đất và tài chính là điều kiện tiên quyết để thị trường phát triển đúng hướng.
Nhà ở xã hội không chỉ là một giải pháp an sinh mà cần được nhìn nhận như một phần trong chiến lược phát triển đô thị bền vững – nơi người thu nhập thấp không chỉ có chỗ ở, mà còn được đảm bảo điều kiện sống, học tập và làm việc lâu dài. Nếu không có những bước đi mạnh mẽ và đồng bộ, bài toán an cư cho người lao động tại các đô thị lớn sẽ tiếp tục là thách thức kéo dài.