
Một thương vụ, hai thế giới
Khi Meta công bố thương vụ trị giá 14,3 tỷ USD để mua lại 49% cổ phần của Scale AI và chiêu mộ CEO Alexandr Wang về lãnh đạo đơn vị mới mang tên Meta Superintelligence Labs, giới công nghệ sững sờ. Không chỉ vì quy mô tài chính choáng ngợp, mà bởi những hệ lụy tâm lý âm thầm lan rộng khắp Thung lũng Silicon.
Kể từ sau thương vụ ấy, hàng loạt kỹ sư AI, nhà nghiên cứu machine learning, thậm chí cả những người đang học tiến sĩ bỗng rơi vào trạng thái FOMO (Fear of Missing Out - sợ bị bỏ lại), cảm thấy ghen tị, hụt hẫng, thậm chí nghi ngờ chính giá trị bản thân mình.
Tại một nơi mà lương triệu USD từng là giấc mơ xa xỉ, nay lại trở thành tiêu chuẩn mới khiến người ta cảm thấy "kém may mắn" khi chỉ nhận sáu chữ số.
"Tôi nghĩ mình đang làm rất tốt cho một công ty dẫn đầu về AI. Nhưng rồi tôi thấy bạn mình được đề nghị 12 triệu USD/năm từ Meta. Tôi không biết mình nên vui hay nên buồn nữa," một kỹ sư tại Anthropic giấu tên chia sẻ.

"Mọi người đang bàn tán xôn xao tại Thung lũng Silicon sau thương vụ của Meta. Có một cảm giác ghen tị, đố kỵ và bất lực đang lan rộng bởi mọi người đều nghĩ rằng: 'Tôi nghĩ mình đã làm khá tốt. Tôi đã làm sai điều gì? Tôi rất muốn nhận được những lời đề nghị đó’", nhà đầu tư Deedy Das tại Menlo Ventures, công ty hậu thuẫn Anthropic, cho biết.
Ông Das cho biết với một nhóm rất nhỏ những nhà khoa học hàng đầu về mô hình nền tảng (foundational models), các công ty như Meta sẵn sàng trả lương từ 8 đến 20 triệu USD/năm, kèm cổ phiếu và tiền ký hợp đồng khổng lồ. Sam Altman, CEO OpenAI, thậm chí tiết lộ rằng có người được Meta trả tới 100 triệu USD chỉ để rời công ty.
Trong khi đó, những người giỏi "vừa phải" – cũng là cốt lõi cho bất kỳ tổ chức nào – chỉ có thể đứng ngoài quan sát. Thậm chí một số chuyên gia dù được Meta mời nhưng từ chối vì nghĩ công việc không phù hợp cũng cảm thấy tiếc nuối.
"Bạn bè tôi sốc thật sự. Họ có lẽ đã kiếm được số tiền trong 1 năm bằng cả đời làm việc. Cảm giác giác đó rất khó để có thể chấp nhận," nhà đầu tư Deedy Das nói.
Hiện tượng "tâm lý hụt hẫng vì không giàu bằng người khác" không mới tại Silicon Valley. Nhưng với AI, nó đang lên tới đỉnh điểm khi sự khan hiếm nhân tài – chỉ khoảng 2.000 người trên toàn cầu đủ năng lực phát triển mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) – khiến giá trị bị đẩy lên mức không tưởng.
Tờ Business Insider (BI) nhận định trên thực tế việc các BigTech săn đón nhân tài không lạ, kể cả trong cơn sốt AI, thế nhưng việc mark Zuckerberg tuyển dụng nhân tài bất chấp giá trị thật trên thị trường đã khiến mọi thứ đi quá xa.
Từ cuối năm 2022, làn sóng AI bùng nổ với ChatGPT của OpenAI đã làm chao đảo bản đồ công nghệ toàn cầu. Google, Microsoft, Amazon và nhiều ông lớn khác liền đổ hàng chục tỷ USD nâng cấp hạ tầng, mua lại startup, thâu tóm nhân sự AI.
Trong khi đó, Meta dường như tụt lại phía sau: mô hình Llama 4 không đạt kỳ vọng, kế hoạch phát hành Behemoth liên tục bị hoãn và giấc mơ Metaverse vẫn chưa mang về lợi nhuận như mong đợi.
Đến tháng 6/2025, Mark Zuckerberg đã phải thừa nhận một sự thật phũ phàng: Meta không thể một mình gánh nổi cuộc chơi AI chỉ bằng nguồn lực nội tại.

Hệ quả là Mark Zuckerberg đang "phá luật chơi" khiến nhiều người chưa kịp thích nghi. Điều này không chỉ là về việc thiếu kỹ năng, mà còn là về sự chênh lệch lớn về giá trị nhân sự mà họ đang chứng kiến. Cảm giác này có thể dẫn đến sự than phiền về "luật chơi" không công bằng, nơi một số ít được trả những khoản tiền phi lý trong khi phần lớn vẫn theo tiêu chuẩn cũ.
CEO OpenAI Sam Altman đã công khai chỉ trích Meta vì đã đề xuất mức lương hào phóng lên tới hơn 100 triệu USD/năm cho nhiều nhân viên giỏi của ông. Ông cho rằng chiến lược này gây hại văn hóa doanh nghiệp và đi ngược lại với sứ mệnh phát triển AGI (Trí tuệ nhân tạo tổng quát) bền vững. Điều này cho thấy có một sự "bất bình" ngấm ngầm về cách Meta đang làm "khuấy đảo" thị trường.
Các nguồn tin cho biết OpenAI đã phải tăng lương thưởng sau khi một số chuyên gia AI của họ gia nhập Meta. Điều này là bằng chứng rõ ràng cho thấy sự so sánh mức lương đã trở thành một vấn đề nội bộ, buộc các công ty phải hành động để ngăn chặn chảy máu chất xài.
Bỏ học và đổ vỡ
Meta có thể đã mở ra một kỷ nguyên mới của AI – nơi nhân tài được định giá như vận động viên chuyên nghiệp, với người đại diện và đấu giá kín. Nhưng cũng từ đó, một vết nứt đã hình thành trong cộng đồng những người từng tin rằng công nghệ là nơi giá trị được xây dựng từ tài năng, tinh thần cống hiến và lý tưởng thay đổi thế giới.
Giới truyền thông cho hay nhiều chuyên gia vẫn tin vào sứ mệnh phát triển AI của mình, nhưng khi tiền quá lớn, sứ mệnh đôi khi không còn đủ để "níu người ta lại".
"Khi bạn làm việc mà quên đi mục đích cũng như sứ mệnh ban đầu, chỉ làm vì tiền thì kết quả sẽ chẳng đi đến đâu. Đây là một ngõ cụt", nhà đầu tư Das cảnh báo.
Tờ BI cho hay vụ việc của Meta đang tạo ra tâm lý đổ vỡ trong im lặng khi sự chênh lệch đãi ngộ đang làm xói mòn văn hóa đội ngũ. Nhiều kỹ sư giỏi nhưng không "nằm trong tầm ngắm" tuyển dụng cao cấp cảm thấy bị bỏ rơi, không còn động lực, và mất đi niềm tin vào công ty hiện tại.
Sự chênh lệch đãi ngộ có thể dẫn đến rạn nứt nội bộ: nhân viên ít được ưu ái cảm thấy mình không được công nhận, giảm hợp tác và chia sẻ kiến thức.
"Tôi biết mình không tệ. Nhưng nhìn quanh, có cảm giác như những người được chọn là siêu nhân còn mình chỉ là vai phụ. Điều đó đau thật sự." — một nghiên cứu viên tại DeepMind chia sẻ trên mạng xã hội Blind.

"Tôi là một kỹ sư làm cho nhiều hãng công nghệ với thu nhập 140.000 USD/năm. Thế nhưng một nhà tuyển dụng tại Meta lại có thể kiếm 190.000 USD/năm mà chẳng làm gì cả. Thật là chán", một kỹ sư than phiền trên Reddit.
Tình trạng này dễ đẩy những người chưa được đãi ngộ vào tình trạng giảm động lực, thậm chí tìm cách rời bỏ công ty hoặc chuyển sang lĩnh vực khác, vì cho rằng dù họ có gắn bó lâu dài cũng không thể đạt được mức thu nhập mong muốn.
Tệ hơn, ngay cả các nghiên cứu sinh hay tiến sĩ đang bảo vệ luận án cũng bị ảnh hưởng bởi làn sóng FOMO do "cơn sốt vàng" mà Mark Zuckerberg tạo ra. Nhiều chuyên gia lo ngại rằng sự bùng nổ này có thể chỉ là một "cơ hội ngàn vàng" và sẽ không kéo dài. Điều này tạo ra áp lực phải nắm bắt cơ hội ngay lập tức, thậm chí là phải đánh đổi việc học hành.
"Các tập đoàn đang gây áp lực khiến nhiều người muốn bỏ học. Thật buồn nôn", giám đốc điều hành Bill Aulet của Trung tâm Martin Trust dành cho Doanh nhân tại MIT than thở.
Đồng quan điểm, giám đốc Roy Bahat của một quỹ đầu tư thiên thần cho biết những tiến bộ về AI đang diễn ra quá nhanh khiến nhiều sinh viên, nghiên cứu sinh trong ngành khó có thể hoàn thành việc học mà không bị cám dỗ bởi đồng tiền.
"Nhiều người cho rằng họ đang lãng phí thời gian trên ghế nhà trường khi AI đang có bước chuyển mình đột phá, thế nhưng quyết định nghỉ học là một bước đi rủi ro cao", anh Bahat chia sẻ.
Ngay cả trong giới khởi nghiệp, việc tuyển dụng nhân sự cũng chịu ảnh hưởng.
"Bạn từng chỉ cần 5 triệu USD để khởi nghiệp AI thì nay con số đã lên đến 30-50 triệu USD chỉ riêng chi quỹ lương khởi điểm tuyển dụng nhân sự. Nhiều lao động không muốn chuyển việc mạo hiểm khi họ đã quá nhiều tiền trong túi", ông Navin Chaddha, đối tác quản lý của Quỹ Mayfield, nhận định.
Tờ BI cho hay Mira Murati, cựu giám đốc công nghệ của OpenAI, đã trả cho một số nhân tài khoảng nửa triệu USD tiền lương cho công ty khởi nghiệp Thinking Machines Lab mới của cô trước khi công bố vòng gọi vốn đầu tiên. Con số này chưa bao gồm vốn chủ sở hữu hoặc tiền thưởng khi ký hợp đồng.

"Tôi từng nghĩ mình sẽ khởi nghiệp với 5 triệu USD. Tuy nhiên hiện nay chỉ riêng việc trả lương cho 3 kỹ sư đầu tiên cũng tốn gần 10 triệu USD. Vậy thì còn đâu cơ hội cho những người không có sẵn quan hệ hoặc ‘profile khủng’?", một nhà sáng lập trẻ tại San Francisco than thở.
Không phải ai cũng trở thành Alexandr Wang. Và trong khi giới truyền thông đổ dồn về những người được chọn, thì phía sau ánh hào quang là hàng nghìn con người giỏi giang, đang vật lộn với cảm giác lạc lõng trong chính ngành nghề từng là giấc mơ.
*Nguồn: BI, Fortune, Reddit