"Hãy bắt đầu từ những việc làm thiết thực và giản dị như bữa ăn đủ dưỡng chất, đa dạng, hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, duy trì vận động thể lực thường xuyên, cùng chung tay tạo nên một Việt Nam khỏe mạnh, phát triển", ông Thuấn nói tại Ngày Dinh dưỡng cộng đồng Việt Nam lần 4, do Báo Sức khỏe và Đời sống của Bộ Y tế phối hợp tổ chức, ngày 11/5.

Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn phát biểu ngày 11/5. Ảnh: Kim Vân
Theo lãnh đạo Bộ Y tế, dinh dưỡng không chỉ là nền tảng của sức khỏe cá nhân mà còn là trụ cột của chất lượng dân số, là nhân tố quyết định đến tầm vóc, thể lực, trí tuệ và năng suất lao động của cả một dân tộc. Tổng Bí thư Tô Lâm trong buổi làm việc với Bộ Y tế hồi tháng 2 và qua bài viết "Tương lai cho thế hệ vươn mình" cũng khẳng định vai trò then chốt của dinh dưỡng trong cải thiện chất lượng dân số, phòng bệnh và nâng cao thể chất, phục vụ phát triển bền vững đất nước.
Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ dưới 5 tuổi tại Việt Nam đã giảm còn 19,6% vào năm 2020 - mức trung bình theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới WHO. Tiêu thụ rau quả bình quân đầu người được cải thiện rõ rệt.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang đối mặt với thách thức mới rất đáng lo ngại là tình trạng thừa cân, béo phì gia tăng nhanh chóng. Tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em 5-19 tuổi đã tăng hơn gấp đôi trong một thập kỷ, từ 8,5% năm 2010 lên 19% vào năm 2020. Khoảng 25% người trưởng thành Việt Nam hiện đang bị thừa cân, béo phì.
"Đây là những con số đáng báo động vì nó kéo theo nguy cơ gia tăng các bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch, thậm chí cả ung thư", ông Thuấn nói.
Xu hướng tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn và nước ngọt ở giới trẻ đang gia tăng, trong khi vận động thể lực chưa được chú trọng. Thứ trưởng cho rằng điều này đòi hỏi phải hành động quyết liệt hơn, không chỉ ở cấp chính sách mà còn trong từng gia đình, từng cộng đồng.
Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030 đặt trọng tâm vào cải thiện chế độ ăn lành mạnh, đảm bảo an toàn thực phẩm và tăng cường hoạt động thể lực, đặc biệt là ở trẻ em, phụ nữ mang thai và các nhóm dễ tổn thương tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Chương trình "Dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời" giúp trẻ em phát triển toàn diện cả về thể chất và trí tuệ.
Bộ Y tế cũng đã ban hành "10 lời khuyên dinh dưỡng hợp lý đến năm 2030". Việt Nam đang trong quá trình thực hiện Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc, đặc biệt là mục tiêu "Xóa đói và chấm dứt mọi hình thức suy dinh dưỡng vào năm 2030".

Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn (thứ hai từ phải sang) cùng nhấn nút khởi động chương trình Ngày Dinh dưỡng cộng đồng Việt Nam lần 4. Ảnh: Nguyễn Huyền
Chương trình Ngày Dinh dưỡng cộng đồng Việt Nam lần 4 thu hút hàng nghìn người dân TP HCM và phía Nam đến tham gia, cổ vũ các đội chơi. Từ gần 100 đội đăng ký, ban tổ chức đã lựa chọn 20 đội chơi tranh tài. Các đội chơi có điểm số cao ở phần trắc nghiệm và thể hiện xuất sắc phần thi vận động (nhảy aerobic, zumba, thể dục...) nhận được những giải thưởng của chương trình.
Lê Phương