Vừa chốt xây hành lang vận tải lớn thứ 2 Việt Nam, đại bàng Trung Quốc liền gặp Thủ tướng ngỏ ý, có công nghệ đỉnh thế nào?

Admin

Tập đoàn lớn hàng đầu Trung Quốc muốn tham gia xây dựng dự án 8,3 tỷ USD tại Việt Nam.

Vào ngày 20/5, tại cuộc họp với các bộ ngành, đơn vị liên quan để rà soát việc triển khai các dự án đường sắt kết nối với Trung Quốc, Thủ tướng nhấn mạnh, khởi công tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng vào ngày 19/12/2025.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, về đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, chiều dài gần 419 km, tổng mức đầu tư khoảng hơn 8,3 tỷ USD. Cùng với đó, chủ đầu tư đã hoàn thành công tác thiết kế ranh giải phóng mặt bằng, toạ độ tim tuyến, ga; hoàn thành công tác rà soát, đo đạc điều chỉnh hướng tuyến.

Dự án đi qua 9 tỉnh, thành phố, gồm: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng. Điểm đầu tại vị trí kết nối ray qua biên giới giữa Ga Lào Cai mới và Ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc), thuộc địa phận thành phố Lào Cai. Điểm cuối tại khu bến Lạch Huyện, thuộc địa phận thành phố Hải Phòng.

Về hành lang vận tải dọc tuyến, Ban Quản lý dự án Đường sắt cho biết, theo định hướng phát triển không gian của quốc gia, đất nước được định hướng theo 13 hành lang kinh tế, trong đó hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng là hành lang có nhu cầu vận tải hành khách, hàng hóa lớn thứ 2 của cả nước, chỉ sau hành lang kinh tế Bắc - Nam.

Vì vậy, việc xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng trước hết là để phục vụ nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa trong nước trên hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Cùng với đó, tuyến đường sắt sẽ phục vụ nhu cầu vận tải hành khách, hàng hóa xuất nhập khẩu và hàng hóa quá cảnh, từ đó phát huy được hết hiệu quả đầu tư của dự án.

Vào ngày 21/5, tại cuộc gặp Thủ tướng, ông Châu Gia Nghĩa, Chủ tịch châu Á - Thái Bình Dương của Tập đoàn Xây dựng Điện lực Trung Quốc (PowerChina) cho biết doanh nghiệp này muốn hợp tác với 4 đối tác Việt Nam để tham gia các dự án đường sắt tại Việt Nam, gồm tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

PowerChina hiện hoạt động tại hơn 130 quốc gia, trong 5 lĩnh vực chính gồm thủy lợi - thủy điện, năng lượng, hạ tầng đô thị, khai khoáng và số hóa. Năm 2024, doanh thu đạt hơn 100 tỷ USD, xếp thứ 108 trong 500 doanh nghiệp lớn nhất toàn cầu. PowerChina có mặt Việt Nam từ những năm 2000, tham gia xây dựng hơn 100 dự án năng lượng, các dự án hạ tầng, cảng biển...

Với kinh nghiệm tham gia, thi công tổng chiều dài hơn 2.000 km đường sắt, PowerChina cam kết đảm bảo tiến độ, chất lượng và kiểm soát chi phí hiệu quả cho dự án, cũng như chia sẻ kinh nghiệm kỹ thuật và quản lý với các đối tác Việt Nam.

PowerChina cho biết đã thi công các tuyến đường sắt với tổng chiều dài hơn 2.000 km trên khắp thế giới, bao gồm các dự án như đường sắt cao tốc Bắc Kinh – Thượng Hải, đường sắt Tứ Xuyên – Tây Tạng, đường sắt Boten – Viêng Chăn, đường sắt cao tốc Jakarta – Bandung và nhiều dự án khác. Với chất lượng cao, những dự án này thể hiện năng lực mạnh mẽ của PowerChina trong các lĩnh vực đầu tư, thiết kế, xây dựng, vận hành và bảo trì đường sắt.

Trong dự án đường sắt cao tốc Jakarta – Bandung tại Indonesia, PowerChina đã sử dụng máy đào hầm cân bằng bùn với đường kính 13,19 mét – lớn nhất từng được xuất khẩu từ Trung Quốc. Công nghệ này cho phép thi công hầm đôi dưới lòng đất, giúp giảm thiểu ảnh hưởng đến hoạt động sân bay ở gần khu vực thi công. Cỗ máy này được điều khiển tự động, các kỹ sư chỉ cần nhìn màn hình quan sát từ xa để điều khiển cỗ máy.

Cùng với đó trong công nghệ xây dựng đường sắt, PowerChina đã triển khai mô hình bản sao số cho tuyến đường sắt đô thị Shaoxing tại Trung Quốc. Bằng cách tích hợp dữ liệu khảo sát, địa chất và thiết kế 3D, từ đó xây dựng một nền tảng quản lý thi công toàn diện, giúp rút ngắn 20% chu kỳ thiết kế và tiết kiệm 5% chi phí xây dựng. Hệ thống này còn tích hợp dữ liệu IoT để theo dõi tiến độ và chất lượng thi công theo thời gian thực.

Với những công nghệ tiên tiến và kinh nghiệm dày dặn, PowerChina đang tích cực mở rộng hợp tác quốc tế.