Một ngày cuối tháng 10/2023, tại hành lang Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương (Hà Nội), Vũ Thị Huế (34 tuổi, quê Thái Bình) gần như không rời mắt khỏi ánh đèn sáng đỏ suốt gần hai tiếng, báo hiệu ca mổ của con trai chị, bé Gold, đang diễn ra.
"Lúc bác sĩ báo con cấy được 19/22 điện cực, tôi mừng quá, nhảy lên vì không tin đó là sự thật", Huế kể lại, giọng vẫn còn run. Khoảnh khắc ấy là khởi đầu cho một đoạn đường mới, giúp con nghe được âm thanh đầu tiên trong đời.
Bé Kiều Vũ Anh Quân (tên ở nhà là Gold) sinh ngày 18/3/2022, là con thứ hai của vợ chồng Huế. Những tháng đầu đời, cậu bé phát triển bình thường: mọc răng, tập đi đúng cữ, lanh lợi, nhanh nhẹn. Thấy con hơn một tuổi chưa biết nói, chị nghĩ đơn giản là chậm hơn anh trai, nên tự dạy con bằng cách chơi cùng, không cho xem tivi để con tập giao tiếp.
Một lần, chị đánh rơi vung nồi xuống sàn nhà. Âm thanh vang lên nhưng Gold vẫn bình thản chơi như không có chuyện gì. Cảm giác bất an, chị thử gọi to, mở tivi âm lượng lớn nhưng con vẫn không có phản ứng. Huế đưa con đến bệnh viện khám thì được bác sĩ kết luận: bé Gold bị điếc bẩm sinh, mức độ sâu, không nghe được bất kỳ âm thanh nào.
"Tôi như bị sét đánh, không thể tin nổi. Tôi chỉ biết khóc và tự trách đã để con sống 15 tháng đầu đời trong im lặng mà không hay biết", Huế nghẹn lời.
Chồng làm việc ở nước ngoài, chị ôm con về nhà mẹ đẻ nương nhờ. Bà ngoại hơn 70 tuổi trở thành chỗ dựa tinh thần cho ba mẹ con. "Có lúc tôi và mẹ ôm nhau khóc nhưng sau đó chính mẹ là người vực tôi dậy. Tôi còn nhớ lời mẹ khi đó: 'Ông trời không lấy hết của ai cái gì, mất cái này sẽ được bù cái kia, cố lên con'. Những lời ấy theo tôi suốt hành trình", Huế nói.
Bà ngoại dạy bé Gold tập nói. Ảnh: NVCC
Hành trình đi tìm tia hy vọng
Bác sĩ khuyên cấy ốc tai điện tử nhưng thiết bị này có giá lên tới 500 triệu đồng con số quá lớn với gia đình chị lúc đó. Sau khi vay mượn, gom góp khắp nơi, chị quyết định thực hiện ca cấy cho con. Song, hy vọng lại lần nữa bị dập tắt khi kết quả chụp phim cho thấy con không có dây thần kinh thính giác (yếu tố quyết định để có thể phẫu thuật cấy ốc tai điện tử). Huế kể, khoảng thời gian đó chị không ăn không ngủ, chỉ ôm con và khóc. "Cú sốc này còn đau đớn hơn lần nghe tin con bị điếc bẩm sinh bởi điều đó đồng nghĩa với việc bé không còn một tia hy vọng nào có thể nghe được", chị mô tả.
Sau khi ổn định tinh thần, Huế lao vào tìm hiểu khắp các hội nhóm phụ huynh có con khiếm thính. Mỗi bình luận, mỗi chia sẻ đều được chị đọc kỹ. May mắn đến khi chị tìm được một bác sĩ ở TP HCM từng làm nhiều ca phẫu thuật khó. Sau khi gửi phim chụp, bác sĩ nhận định con chị có thể có dây thần kinh nhưng rất mảnh. Một tia sáng le lói. Chị tiếp tục ôm hy vọng: "Tôi không cần con nghe như người bình thường, chỉ cần con biết tiếng còi xe, gọi được mẹ là đủ".
Theo chỉ định của bác sĩ, bé Gold đeo máy trợ thính để thử phản xạ âm thanh trước khi phẫu thuật. Sau 20 ngày, chị thử vỗ tay, đập mâm, gọi to và con quay đầu lại. Hai tháng sau, bác sĩ xác nhận bé có thể làm phẫu thuật cấy ốc tai điện tử. Trong ca mổ, khi bác sĩ thông báo đạt 19/22 điện cực, Huế bật khóc, nhấc máy gọi báo cho người thân. Niềm vui ấy chỉ là bước khởi đầu.
Sau ca phẫu thuật của bé Gold, Huế nghỉ việc, ở nhà hỗ trợ con tập nói. Ảnh: NVCC
Để phục hồi khả năng nghe và nói, bé Gold phải trị liệu định kỳ ở Hà Nội, mỗi tuần một lần. Huế nghỉ hẳn công việc, tập bán hàng online để tiện chăm con và trang trải chi phí. Chị học cùng cô giáo, về nhà tự dạy con từng âm. Có ngày tập đúng một âm "ng" cả tiếng đồng hồ vẫn không được. Hai tháng trôi qua, âm đó vẫn chưa hoàn chỉnh.
Một trong những kỷ niệm khiến Huế nhớ mãi là lần hai mẹ con lên Hà Nội trị liệu đúng hôm trời mưa lớn. Đến bến xe Giáp Bát, chị bắt xe ôm là một nam sinh viên. Biết hoàn cảnh của hai mẹ con, cậu nhất quyết không nhận tiền. Trưa hôm đó, hộp cơm chị mang theo bị thiu, may mắn được một người tốt bụng chia phần cơm cho bé Gold. "Chỉ là những điều nhỏ thôi nhưng khiến tôi xúc động và nhớ cả đời", chị tâm sự.
Khi con gọi "Mẹ"
Với con trai đầu lòng, Huế từng mất kiên nhẫn mỗi khi thức đêm trông con ốm nhưng đến khi dạy dỗ bé Gold, chị mới thực sự hiểu thế nào là nhẫn nại. Theo chị, nếu không phải là một người mẹ, có lẽ khó ai đủ sức bền bỉ để đi đến cùng như vậy. Đáp lại sự cố gắng của hai mẹ con, Gold giờ đã biết gọi "mẹ", "ông", "bà", "cam, "hoa"... Mỗi lần mẹ đi đâu về, bé chạy ra cửa reo "Mẹ". Chị gọi tên, con quay đầu lại, nhìn mẹ cười. Có lúc, bé còn ôm mẹ, nhường đồ ăn, hay để dành phần cho mẹ... Cô giáo đánh giá đây là tiến bộ vượt bậc so với một bé có dây thần kinh thính giác mảnh. Mỗi tháng tái khám, bác sĩ đều ghi nhận tín hiệu tích cực từ thiết bị và sự phối hợp chặt chẽ giữa mẹ và con.
"Ba năm qua, điều khiến tôi tự hào nhất là được nghe tiếng gọi 'Mẹ' từ con. Tôi có thể nghe câu đó cả ngày không chán", chị nói.
Bé Gold khóc vì không thể phát âm được nhưng vẫn không bỏ cuộc. Video: NVCC
Đầu năm 2025, Huế bắt đầu quay lại hành trình dạy con, chia sẻ lên TikTok như một cuốn nhật ký. Video Gold khóc vì phát âm không được, đạt gần 4 triệu lượt xem. Nhiều người mẹ có con khiếm thính liên hệ, hỏi kinh nghiệm, chia sẻ hoàn cảnh khó khăn. Huế lắng nghe, động viên từng người. Chị cho biết chỉ mong những người mẹ có hoàn cảnh giống mình không bỏ cuộc, bởi "dù sinh ra không trọn vẹn, con vẫn xứng đáng có một tuổi thơ đầy ắp yêu thương".
Ngày của Mẹ năm nay, chị dành suy nghĩ đặc biệt cho mẹ đẻ, người đã ôm lấy chị lúc tăm tối, tuyệt vọng nhất. "Mẹ là người thầy đầu tiên của tôi. Nếu tôi có thể làm mẹ tốt như bây giờ, là nhờ mẹ đã từng yêu tôi theo cách đó", Huế tâm sự.
