Hội nghị khoa học công nghệ đầu tiên của ngành Nông nghiệp và Môi trường sắp diễn ra tại Bắc Ninh

Admin

Theo tinh thần Nghị quyết 57, Bộ NN&MT xác định chuyển đổi nông nghiệp theo hướng xanh, bền vững, hiệu quả tài nguyên và thích ứng khí hậu, kết hợp ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.

Chiều 5/5, Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) tổ chức họp báo về kế hoạch thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia trong ngành Nông nghiệp và Môi trường.

Đưa khoa học công nghệ vươn tầm

Phát biểu khai mạc sự kiện, Thứ trưởng Bộ NN&MT Phùng Đức Tiến chia sẻ, để triển khai Nghị quyết 57, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 193, Chính phủ đã ban hành Nghị định 88. Về phía Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ đã xây dựng được các nội dung cơ bản, trước khi tổ chức hội nghị tại Bắc Ninh ngày 10/5.

Theo Thứ trưởng, chương trình tổ chức hội nghị sẽ tổ chức trong 2 ngày, từ 9-10/5, bao gồm trưng bày triển lãm từ ngày 9/5. Tiếp đó, sáng 10/5, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ tiến hành thảo luận chung. Trong phiên chiều 10/5, các đại biểu sẽ chia 4 tiểu ban để thảo luận sâu hơn các vấn đề liên quan đến ngành nông nghiệp và môi trường.

Hội nghị khoa học công nghệ đầu tiên của ngành Nông nghiệp và Môi trường sắp diễn ra tại Bắc Ninh- Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ NN&MT Phùng Đức Tiến chủ trì họp báo.

Theo tinh thần của Nghị quyết 57, Bộ Nông nghiệp và Môi trường xác định việc chuyển đổi phương thức sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và thích ứng với biến đổi khí hậu là nhiệm vụ ưu tiên.

Đồng thời, đề cao vai trò của người nông dân là chủ thể của quá trình phát triển, gắn với đổi mới tổ chức sản xuất và xây dựng nông thôn hiện đại.

Thông tin chi tiết hơn, ông Nguyễn Văn Long - Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ NN&MT) cho biết, theo kế hoạch, Hội nghị sẽ có 26 gian hàng trưng bày sản phẩm khoa học - công nghệ tiêu biểu. Dự kiến, có khoảng 450 - 500 đại biểu tham dự trực tiếp.

Ông Nguyễn Văn Long khẳng định: "Phiên họp toàn thể chính là đại hội khoa học công nghệ đầu tiên của Bộ NN&MT, thể hiện tinh thần quán triệt Nghị quyết 57 bằng hành động cụ thể, đồng thời là dịp báo cáo những kết quả, vướng mắc và đề ra các giải pháp thực tế".

Tại sự kiện, ông Long cũng nhấn mạnh 7 nhiệm vụ trọng tâm để tạo đột phá cho ngành, trong đó trước hết là nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy và quyết tâm chính trị mạnh mẽ trong toàn ngành về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Hội nghị khoa học công nghệ đầu tiên của ngành Nông nghiệp và Môi trường sắp diễn ra tại Bắc Ninh- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn Long - Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ.

Bên cạnh đó, ngành sẽ tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cho khoa học công nghệ và chuyển đổi số, tập trung vào việc ứng dụng công nghệ số và trí tuệ nhân tạo vào quản lý nông nghiệp.

Ngành cũng hướng đến xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về tài nguyên và môi trường, vận hành hệ thống thông tin đất đai, số hóa hồ sơ thủ tục hành chính, hoàn thiện cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và các cơ sở dữ liệu quan trọng, từ đó tạo nền tảng cho phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh.

Ông Long thừa nhận: "Hiện nay, nhiều cơ sở vật chất còn cũ kỹ, trang thiết bị lạc hậu, quy trình chưa được cập nhật và đội ngũ nhân lực còn nhiều bất cập. Vì vậy, Bộ đang chỉ đạo đánh giá tổng thể để có hướng đầu tư, nâng cấp phù hợp".

Nguồn nhân lực cần được ưu tiên hàng đầu trong phát triển khoa học công nghệ

Một trong những yêu cầu cấp thiết là phát triển và trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và giữ chân các nhà khoa học đầu ngành, các chuyên gia trong và ngoài nước có năng lực tổ chức, điều hành và triển khai các nhiệm vụ quốc gia về công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Đồng thời, cần ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ để nâng cao hiệu quả quản trị và hiệu lực quản lý nhà nước. Cùng với đó, Bộ khuyến khích doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã và hộ kinh doanh, đầu tư vào chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, đổi mới công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và quản trị.

Cùng với đó, Bộ NN&MT sẽ tăng cường hợp tác quốc tế, thông qua các cơ chế đa phương, song phương với các quốc gia, tổ chức quốc tế, tập đoàn đa quốc gia, viện nghiên cứu và trường đại học hàng đầu về công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Liên quan đến kiến trúc chuyển đổi số 4.0 trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường, Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số Khuất Hoàng Kiên cho biết Cục đang rà soát kế hoạch, dữ liệu của Bộ NN&PTNT và Bộ TN&MT trước đây để kết hợp lại thành nền tảng chung của Bộ NN&MT. Đặc biệt, đẩy mạnh tích hợp các hồ sơ công việc, dịch vụ công trực tuyến để sớm vận hành và phục vụ người dân.

Hội nghị khoa học công nghệ đầu tiên của ngành Nông nghiệp và Môi trường sắp diễn ra tại Bắc Ninh- Ảnh 3.

Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số Khuất Hoàng Kiên.

Phó Cục Trưởng Khuất Hoàng Kiên thông tin thêm, Cục sẽ sớm ban hành kiến trúc chuyển đổi số 4.0 trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường, trong đó cụ thể hóa kế hoạch và cơ sở dữ liệu trọng điểm của từng lĩnh vực, từng dự án.

"Cơ sở thông tin về đất đai mang tính đặc thù cao, nguồn dữ liệu chủ yếu gắn với chính quyền địa phương. Để thu thập số liệu chính xác đòi hỏi nguồn lực lớn. Vì vậy, chúng tôi đang tích cực tham mưu Bộ NN&MT và Chính phủ để khuyến khích các địa phương thu thập, rà soát dữ liệu nhanh chóng", ông Kiên nói.

Sản xuất nông nghiệp ổn định trong 4 tháng đầu năm

Liên quan đến tình hình sản xuất ngành nông lâm thủy sản, ông Trần Gia Long – Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính cho biết trong tháng 4/2025, ngành nông nghiệp tiếp tục đảm bảo cân đối cung - cầu, giữ vững an ninh lương thực quốc gia. Các sản phẩm chủ lực như lúa gạo, thịt hơi, sữa tươi, trứng gia cầm, thủy sản… đáp ứng đủ nhu cầu trong nước và phục vụ xuất khẩu.

Hội nghị khoa học công nghệ đầu tiên của ngành Nông nghiệp và Môi trường sắp diễn ra tại Bắc Ninh- Ảnh 4.

4 tháng đầu năm 2025, toàn ngành đã đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 21,15 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ.

Sau 4 tháng đầu năm 2025, toàn ngành đã đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 21,15 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ. Trong đó, nông sản chính đạt 11,6 tỷ USD, lâm sản đạt 5,56 tỷ USD, thủy sản đạt 3,09 tỷ USD và tổng xuất siêu đạt 5,18 tỷ USD.

Giá xuất khẩu của nhiều nông sản tăng mạnh như cà phê tăng 67,5% (đạt 5.698 USD/tấn), cao su tăng 30,2% (1.935 USD/tấn), hạt tiêu tăng 62,5% (6.893 USD/tấn), hạt điều tăng 27% (6.808 USD/tấn). Riêng gạo giảm 20% còn 514 USD/tấn.

Về thị trường xuất khẩu, Mỹ là thị trường lớn nhất, chiếm 20,5% và tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước. Nhật Bản tăng mạnh 23,3% và chiếm 7,5%, trong khi thị phần của Trung Quốc giảm nhẹ 1,1%, chiếm 17,1%.