Tạo hành lang pháp lý cho hoạt động báo chí phát triển trong kỷ nguyên số

Admin

Theo ông Phan Xuân Thủy, việc sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí là hết sức cần thiết nhằm hoàn thiện quy định pháp luật để thể chế hoá chủ trương, chính sách của Đảng về báo chí.

Ngày 16/5, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Hội Truyền thông số Việt Nam chỉ đạo, giao cho Cục Báo chí và Tạp chí điện tử VietTimes tổ chức Hội thảo "Hoàn thiện pháp luật để báo chí phát triển trong kỷ nguyên số".

Sửa Luật Báo chí là cần thiết

Sự kiện diễn ra trong bối cảnh đặc biệt nhân kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2025), đồng thời lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Báo chí sửa đổi.

Tham dự Hội thảo có lãnh đạo các cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội, đại biểu Quốc hội, các chuyên gia truyền thông, nhà báo, nhà khoa học, luật sư...

Phát biểu khai mạc, ông Phan Xuân Thủy - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương cho rằng việc sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí là hết sức cần thiết nhằm hoàn thiện quy định pháp luật để thể chế hoá chủ trương, chính sách của Đảng về báo chí; khắc phục những hạn chế, bất cập trong quy định pháp luật về báo chí hiện hành.

Tạo hành lang pháp lý cho hoạt động báo chí phát triển trong kỷ nguyên số- Ảnh 1.

Ông Phan Xuân Thủy - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương.

Cùng với đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí nhằm điều chỉnh, quản lý hoạt động báo chí phù hợp trong bối cảnh sự phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng của khoa học, công nghệ, truyền thông hiện đại, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động báo chí phát triển trong kỷ nguyên số.

Tại hội thảo "Hoàn thiện pháp luật để báo chí phát triển trong kỷ nguyên số", đại diện các bộ, ban, ngành, đại biểu Quốc hội, lãnh đạo các cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội, các chuyên gia truyền thông, nhà báo, nhà khoa học, luật sư... sẽ tập trung thảo luận 3 nội dung lớn: 

Một là, trong bối cảnh sắp xếp, tinh gọn các cơ quan báo chí, việc xây dựng mô hình Tổ hợp báo chí truyền thông như thế nào để phát huy hiệu quả và phát triển bền vững? Phát triển mô hình tổ hợp báo chí, kinh nghiệm quốc tế.

Tạo hành lang pháp lý cho hoạt động báo chí phát triển trong kỷ nguyên số- Ảnh 2.

Quang cảnh Hội thảo "Hoàn thiện pháp luật để báo chí phát triển trong kỷ nguyên số".

Hai là, vấn đề liên kết trong hoạt động của cơ quan báo chí như thế nào để phát huy được nguồn lực của xã hội nhằm phát triển cơ quan báo chí?

Ba là, báo chí đang phải cạnh tranh ngày càng khốc liệt với mạng xã hội, các nền tảng xuyên biên giới về tốc độ và mức độ lan tỏa thông tin. Các quy định pháp luật cần được hoàn thiện theo phương hướng nào để cơ quan báo chí có thể cạnh tranh thông tin, định hướng, dẫn dắt thông tin trên không gian mạng?

Hội thảo nhằm lấy ý kiến đóng góp hoàn thiện hệ thống pháp luật, đề xuất các quy định cụ thể, góp ý xây dựng dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) trước khi trình Chính phủ, Quốc hội xem xét, thông qua. 

Mô hình Tổ hợp báo chí truyền thông chủ lực đa phương tiện

Tại hội thảo, ông Lưu Đình Phúc - Cục trưởng Cục Báo chí đã thông tin về một số nội dung đáng chú ý trong Luật Báo chí (sửa đổi). 

Theo ông Phúc Nghị quyết số 148 ngày 22/9/2024 của Chính phủ thông qua 4 chính sách Đề nghị xây dựng Luật Báo chí (sửa đổi) gồm: Tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động báo chí; nâng cao chất lượng người làm báo, lãnh đạo cơ quan báo chí; thúc đẩy phát triển kinh tế báo chí; điều chỉnh hoạt động báo chí trên không gian mạng.

Quá trình xây dựng dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi), Ban soạn thảo, Tổ biên tập đã bám sát ý kiến chỉ đạo Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ về đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, cụ thể hóa 4 chính sách nêu trên.

Tạo hành lang pháp lý cho hoạt động báo chí phát triển trong kỷ nguyên số- Ảnh 3.

Ông Lưu Đình Phúc - Cục trưởng Cục Báo chí thông tin về một số nội dung đáng chú ý trong Luật Báo chí (sửa đổi).

Dự thảo luật lần này bổ sung nhiều quy định quan trọng, trong đó điểm nhấn là nguyên tắc quản lý báo chí chặt chẽ, minh bạch và phân định rõ thẩm quyền giữa Trung ương và địa phương. 

Dự kiến có 30 nội dung giao Chính phủ và các cơ quan chức năng quy định chi tiết.  Trong đó, Nghị định của Chính phủ sẽ bao gồm 25 vấn đề và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ ban hành thông tư hướng dẫn 5 nội dung liên quan đến cấp phép, cấp thẻ nhà báo, văn phòng đại diện, bản tin, đặc san... 

Một điểm mới đáng chú ý là việc bổ sung mô hình Tổ hợp báo chí truyền thông chủ lực đa phương tiện. Theo đó, các tổ hợp báo chí được phép có nhiều cơ quan trực thuộc, hoạt động theo cơ chế tài chính như doanh nghiệp, được thành lập hoặc góp vốn tại doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng đưa ra các nguyên tắc chặt chẽ trong hoạt động báo chí trên không gian mạng. 

"Các kênh nội dung của báo chí trên mạng xã hội, ứng dụng Internet bắt buộc phải đăng ký, kết nối hệ thống với cơ quan quản lý. Nội dung phát hành phải tuân thủ pháp luật báo chí, an ninh mạng và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên", ông Phúc nhấn mạnh.

Nhà nước sẽ đầu tư công cụ số để giám sát hoạt động báo chí trên môi trường mạng, đảm bảo an toàn thông tin và hiệu quả quản lý.

Một điểm nhấn quan trọng khác là việc Hội Nhà báo Việt Nam được giao quyền giám sát đạo đức nghề nghiệp người làm báo.

Về thẻ nhà báo, ông Phúc cho biết, dự thảo đề xuất bỏ quy định kỳ hạn cứng, thay bằng thời hạn 5 năm kể từ ngày cấp, cho phép cấp đổi nếu đủ điều kiện. Tuy nhiên, người làm việc tại tạp chí khoa học sẽ không được cấp thẻ nhà báo.

Dự thảo cũng mở rộng quyền xuất nhập khẩu sản phẩm báo chí cho cơ quan báo chí hoặc doanh nghiệp đủ điều kiện, đồng thời đề xuất phân quyền cho địa phương thực hiện 10 thủ tục hành chính, góp phần tăng tính chủ động, hiệu quả trong quản lý nhà nước về báo chí tại cơ sở.

Tạo hành lang pháp lý cho hoạt động báo chí phát triển trong kỷ nguyên số- Ảnh 4.

TS.Lê Hải - Ủy viên Ban Biên tập, Trưởng Ban Tạp chí Cộng sản điện tử - Tạp chí Cộng sản.

Tiếp đó, trình bày tham luận với chủ đề: "Phát triển mô hình tổ hợp báo chí, kinh nghiệm từ Trung Quốc",TS.Lê Hải - Ủy viên Ban Biên tập, Trưởng Ban Tạp chí Cộng sản điện tử - Tạp chí Cộng sản nêu rõ, Trung Quốc coi báo chí là đơn vị sự nghiệp, nhưng hoạt động và quản lý theo mô hình doanh nghiệp. Đây là quan điểm mới mang tính đột phá về doanh nghiệp báo chí, có tính đặc thù của Trung Quốc.

Áp dụng mức thuế 10% cho tất cả loại hình báo chí

Cùng với sự lớn mạnh tự thân, việc hình thành các tập đoàn truyền thông của Trung Quốc còn được thành lập từ sự sáp nhập mang tính mệnh lệnh hành chính. 

Trung Quốc sử dụng khái niệm Tập đoàn truyền thông (Media Group), nhằm chỉ tổ hợp bao gồm các công ty hoạt động ở một hoặc nhiều ngành thuộc lĩnh vực truyền thông, trong đó thường có ngành báo chí làm nòng cốt.

Từ thực tiễn hình thành và phát triển các tập đoàn truyền thông của nước ngoài, ông Lê Hải cho rằng việc hình thành các tổ hợp truyền thông hoạt động tương tự như các tập đoàn truyền thông của nước ngoài là nhu cầu phát triển khách quan nội tại của báo chí Việt Nam. Việc tổ chức các tổ hợp truyền thông tại Việt Nam hiện nay là hết sức cần thiết.